Vào ngày 30 tháng 1 vừa qua tại khách sạn Sài Gòn, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức buổi lễ giới thiệu chương trình của CARE tới năm 2020 trong không khí ấm cúng và thân mật. Buổi lễ diễn ra nhằm giới thiệu kế hoạch hoạt động trong 5 năm tới và giám đốc quốc gia mới của CARE.
CARE Quốc tế là một tổ chức nhân đạo hàng đầu trong đấu tranh chống đói nghèo và bất công xã hội trên toàn cầu. CARE Quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1975 với các nỗ lực cứu trợ tại chỗ, chủ yếu là cung cấp hỗ trợ thực phẩm, y tế và giáo dục. Sau khi trở lại Việt Nam kể từ năm 1989, CARE đã làm việc ở hầu hết 64 tỉnh thành của Việt Nam, thực hiện hơn 200 dự án trong nhiều lĩnh vực như phát triển nông thôn – nông nghiệp và sinh kế; phát triển cộng đồng; chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản; phòng, chống HIV/AIDS; phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; nước sạch và vệ sinh môi trường; bình đẳng giới.
Trong kế hoạch hoạt động đến năm 2020, đối tượng đích CARE hướng đến một là phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa và hai là nhóm dân số dễ bị tổn thương về mặt xã hội ở khu vực đô thị. Trong nhóm đối tượng đích thứ hai này, theo nhiều nhận xét của các đại biểu từ các tổ chức phi lợi nhuận tham dự thì đây là một bước đi táo bạo của CARE, có nhóm lao động nữ tình dục, phụ nữ nhập cư, người sử dụng ma túy, người có H, nhóm thiểu số về giới và tính dục. Chương trình hoạt động trong 5 năm tới sẽ hướng tới mục tiêu giúp cho hai nhóm đối tượng đích trên có tiếng nói hợp pháp, được tôn trọng và thừa nhận, được đại diện đầy đủ trong xã hội; được hưởng lợi công bằng từ phát triển bền vững; và tăng cường khả năng ứng phó với hoàn cảnh biến động.
Về phương pháp tiếp cận, CARE áp dụng cách thức huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong bình đẳng giới; xây dựng quan hệ đối tác với các cơ quan ban ngành của Chính phủ, các doanh nghiệp, và tổ chức đoàn thể xã hội; vận động chính sách thông qua đối thoại cởi mở với nhiều đối tác khác nhau; và đo lường tác động từ các chương trình thong qua việc giám sát và đánh giá một cách có hệ thống.
Trong phần nhận xét và góp ý từ phía các tổ chức phi lợi nhuận địa phương cho kế hoạch hoạt động, rất nhiều tổ chức, trong đó có Ban Điều phối Viện trợ Nhân dân (PACOM) trực thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã thể hiện sự đánh giá cao, cam kết đồng hành và muốn hợp tác cùng CARE trong 5 năm tới. Thêm vào đó, đại diện các tổ chức phi lợi nhuận cũng góp ý chương trình một số điểm sau: đối với mảng giáo dục ý thức, nên mang các chương trình liên quan đến bình đẳng giới vào trường học để giáo dục cả trẻ nam và nữ từ lúc nhỏ; đối với mảng hoạt động nhắm đến lao động nữ tình dục, cần lưu ý không chỉ thay đổi nhận thức của cá nhân đối tượng mà còn phải thay đổi cái nhìn của cộng đồng về đối tượng này.
Tại buổi lễ, CARE còn trưng bày các tài liệu và bộ công cụ liên quan đến chương trình hoạt động của mình như bộ tranh về hậu quả của bạo lực giới; tài liệu hướng dẫn điều hành cho nhóm dân tộc thiểu số về bạo lực giới; cẩm nang tập huấn về bình đẳng giới, tài liệu “Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quản lý rừng ngập mặn, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”; nghiên cứu điển hình của dự án “Nơi có mưa: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và di cư”; cẩm nang “Hành động xanh của CARE”; sổ tay “Lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu”; cẩm nang “Phân tích tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu” cùng một số tài liệu lien quan khác. Các tổ chức phi lợi nhuận có nhu cầu tham khảo các tài liệu nói trên vui lòng lên trang web của CARE Việt Nam tại www.care.org.au/vietnam và www.careclimatechange.org để tải tài liệu (tiếng Anh) hoặc liên hệ với đội ngũ LIN (điện thoại: +84 (8) 35120092) để mượn tài liệu bản cứng (tiếng Anh và tiếng Việt).