“Mỗi xã hội đều có những truyền thống và phương pháp làm từ thiện riêng… [nhưng] những cách làm đó cần được hiện đại hóa. Việc trao đổi với các xã hội khác có thể giúp chúng ta mở rộng quy mô và đa dạng hóa cách thức, phương tiện và quy trình của việc cho đi để tạo ra tác động lớn hơn.”
Trên đây là phát biểu của bà Tôn Nữ Thị Ninh – nhà ngoại giao kỳ cựu, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt – để mở đầu buổi trao đổi giữa các nhà tài trợ chiến lược Việt Nam và Hoa Kỳ với chủ đề “Tài trợ chiến lược và vai trò của phụ nữ”. Sự kiện diễn ra vào buổi chiều 16/9/2014, với 31 khách tham dự từ Việt Nam và một phái đoàn gồm 7 nhà tài trợ chiến lược nữ từ bang Washington, Hoa Kỳ.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ mở đầu buổi thảo luận. Ảnh: Quang Trầm
Mục đích của buổi gặp gỡ này là kết nối các nhà tài trợ chiến lược nữ. Theo các nghiên cứu được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, họ chính là những người sẵn sàng và có khả năng nhất trong việc thách thức các nguyên nhân cốt lõi của sự bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu tương tự, nên chúng tôi đã mời thêm một số nam giới, chuyên gia gây quỹ, học giả và giới truyền thông đến chia sẻ quan điểm và hiểu biết. Trong nửa ngày diễn ra sự kiện, các đại diện từ Hoa Kỳ và Việt Nam đã chia sẻ những xu hướng gần đây trong lĩnh vực tài trợ chiến lược, tập trung vào hoạt động đóng góp cộng đồng và đầu tư tác động, hai mô hình tài trợ chiến lược nhằm tìm cách tạo ra tác động lớn hơn so với các hoạt động đóng góp truyền thống.
Cô Megan McCloskey chia sẻ về Tài trợ chiến lược hiện đại và vai trò của phụ nữ. Ảnh: Quang Trầm
Trước khi chuyển sang phần thuyết trình, cô Megan McCloskey (Lotus Circle) đã chia sẻ bốn ví dụ về tài trợ chiến lược hiện đại mà Diễn đàn Tài trợ Chiến lược Châu Á mô tả: tài trợ chiến lược, quỹ đầu tư tài trợ chiến lược, đầu tư tác động và tài trợ chiến lược xúc tác. Cô giải thích: “Tài trợ chiến lược xúc tác thu hút các nhà tài trợ tham gia vào những chiến dịch lớn hơn để tạo ra sự thay đổi; sử dụng tất cả những công cụ sẵn có (ví dụ: truyền thông đại chúng, quảng cáo, vận động chính sách, sự tham gia của doanh nghiệp); và chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm của họ với người khác.”
Cô Susan Heikkala với bài trình bày Đóng góp cộng đồng – Một hình mẫu cho tài trợ chiến lược cộng đồng. Ảnh: Quang Trầm
Cô Dana Đoàn (Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN) và cô Susan Heikkala (Quỹ Phụ nữ Washington) đã lần lượt chia sẻ các ví dụ thực tiễn về những mô hình đóng góp cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh và bang Washington. Quỹ Phụ nữ Washington thường tổ chức các chương trình đào tạo về tài trợ chiến lược cho hơn 500 thành viên, mỗi thành viên đóng góp 2.500 USD hàng năm cho quỹ và cùng nhau làm việc để phân bổ gần 1 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận và sáng kiến phi lợi nhuận mỗi năm. Phương thức của Việt Nam tìm kiếm sự tham gia của cộng đồng rộng lớn hơn, nhận những khoản tài trợ dù nhỏ như 20.000 đồng, hay lớn như 42 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn mở rộng và củng cố những nỗ lực đóng góp cộng đồng ở Việt Nam, Dana cho rằng “chúng ta cần vượt qua hai thách thức chủ yếu: (1) hạn chế về khả năng kết nối mạng lưới, cơ hội giáo dục và chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng các nhà tài trợ; và (2) thiếu sự minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình từ cả cộng đồng nhà tài trợ lẫn các tổ chức nhận tài trợ.”
Cô Dana Đoàn trình bày về Đóng góp cộng đồng ở Việt Nam. Ảnh: Quang Trầm
Đối với các nhà tài trợ chiến lược doanh nghiệp, cô Phạm Kiều Oanh (Trung tâm Thúc đẩy Sáng kiến Cộng đồng) và cô Emer Dooley (trường đại học Washington và tổ chức Đối tác Quỹ đầu tư Xã hội) đã trình bày về các doanh nghiệp xã hội và hoạt động đầu tư tác động tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Cô Oanh đề cập đến những điểm chưa tương xứng hiện nay giữa nhu cầu tài trợ của các doanh nghiệp Việt Nam với điều kiện tài trợ và kỳ vọng của nhà đầu tư tác động.
Cô Phạm Kiều Oanh chia sẻ về Đầu tư xã hội ở Việt Nam. Ảnh: Quang Trầm
Còn ở Hoa Kỳ, các nhà đầu tư truyền thống và thế hệ X, thế hệ Millennial – những người sẽ thừa kế tài sản của họ – đang nỗ lực tìm kiếm cách thức giải quyết các vấn đề xã hội thông qua những khoản đầu tư của mình. Như Giáo sư Dooley mô tả, những nhà đầu tư này đang chuyển sự quan tâm từ vấn đề tài chính đơn thuần sang một cách tiếp cận cân bằng giữa lợi ích tài chính và tác động có chủ ý – còn được gọi là vốn “dài hạn”.
Cô Emer Dooley trình bày về Đầu tư tác động – Một cách nhìn từ Hoa Kỳ. Ảnh: Quang Trầm
Trong phần thảo luận nhóm, những người tham gia đã tìm hiểu sự khác nhau và các bước phát triển ở từng quốc gia thông qua các chủ đề như quá trình thành lập một doanh nghiệp xã hội; việc chuyển đổi từ công ty sang doanh nghiệp xã hội; công tác quản lý và báo cáo các khoản tài trợ; cách thức cân bằng giữa yêu cầu của nhà tài trợ với nhu cầu xã hội. Mọi người cũng đã thảo luận về sự khác nhau giữa nhà tài trợ nam và nữ ở Việt Nam. Liên quan đến mức độ thường xuyên, hầu hết mọi người đồng ý rằng nữ giới đóng góp thường xuyên hơn nam giới. Tuy nhiên, nam giới thường đóng góp những khoản tài trợ lớn hơn, và thiên về đầu tư cho những dự án trình bày một tuyên bố giá trị tốt, ví dụ như lợi nhuận từ vốn đầu tư và hay động dài hạn.
Xem ghi chú chi tiết của phần thảo luận tại đây.
Để kết thúc buổi thảo luận, bà Tôn Nữ Thị Ninh yêu cầu những người tham gia suy nghĩ xem họ có thể làm thế nào để tăng cường sức ảnh hưởng từ các hoạt động đóng góp của mình. Hai ý kiến được đưa ra là: thành lập một liên minh để tổ chức các khóa tập huấn thực tiễn cho các nhà tài trợ chiến lược địa phương; và cộng đồng nhà tài trợ có thể hỗ trợ quá trình phát triển của các doanh nghiệp xã hội trong giai đoạn đầu. Với việc Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2015, đây có thể là một cơ hội để các nhà tài trợ chiến lược ở cả hai quốc gia hợp tác hoạt động.
LIN chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt và Lotus Circle đã đồng tổ chức buổi trao đổi này. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn CSIP đã đóng vai trò chủ chốt trong sự kiện; Villa Sông Sài Gòn đã hỗ trợ địa điểm thuận tiện và Les Rives đã đưa đón phái đoàn Hoa Kỳ đến sự kiện.
Vui lòng tham khảo tất cả các tài liệu liên quan đến sự kiện tại đây.