Cà phê sáng Phi Lợi Nhuận và sự tham gia của đối tượng thụ hưởng

Đến hẹn lại lên Cà phê sáng Phi lợi nhuận hàng tháng do Trung tâm LIN điều phối vừa được diễn ra vào sáng 30/12/2015. Tiếp nối chủ đề buổi Cà phê sáng tháng trước, chủ đề lần này là “Sự tham gia của đối tượng thụ hưởng trong hoạt động phát triển cộng đồng”.

Các khách mời chia sẻ lần này là chú Phạm Thanh Vân- Giám đốc Chương trình Tình Thân và chị Trương Nguyễn Bảo Trân – Phó Giám Đốc Trung tâm nghiên cứu tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC).

Ở phần thứ nhất của buổi chia sẻ chú Phạm Thanh Vân đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc tham gia từ đối tượng thụ hưởng trong hoạt động phát triển cộng đồng và thang đo sự tham gia của đối tượng thụ hưởng đối với các hoạt động cộng đồng. Là một người có rất nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng với mảng cộng đồng nên cách tiếp cận của chú Vân cũng rất “cộng đồng” và giúp người nghe dễ hình dung hơn về cách khuyến khích đối tượng thụ hưởng tham gia cùng với dự án.

Thang đo sự tham gia của đổi tượng thụ hưởng được chia làm 10 bậc, trong đó những bậc đầu tiên mang tính hướng dẫn để đối tượng thụ hưởng hiểu và dễ dàng làm theo, những bậc thang tiếp đó thể hiện sự tương tác, trao đổi bình đẳng giữa NPO và đối tượng thụ hưởng, và hai bậc thang cuối cùng thể hiện sự chuyển giao hoàn toàn cho đối tượng thụ hưởng để họ có thể thiết kế, vận hành và quản lí hoạt động, tất nhiên là có sự tư vấn, hỗ trợ từ phía NPO.

Đây là thang đo rất thú vị thể hiện mức độ đối tượng thụ hưởng tham gia vào dự án như thế nào, vì theo chú Vân mục tiêu lâu dài và mang tính bền vững của các dự án cộng đồng là làm sao khi dự án rời đi, cộng đồng người dân ở đó vẫn có thể tự vận hành và hoạt động mà không cần nhiều sự hỗ trợ từ dự án như trước đây.

Ở phần thứ hai, chị Trương Nguyễn Bảo Trân đã chia sẻ về một dự án của SDRC đã làm năm 2011 có sự tham gia của đối tượng thụ hưởng, đó là dự án về Tập huấn cho các nhân viên xã hội cấp cơ sở.

Trong dự án này SDRC đã khuyến khích sự tham gia của các nhân viên xã hội cấp cơ sở vào để cùng nhân viên dự án biên soạn Bộ tài liệu tập huấn. Vì hơn ai hết, các nhân viên xã hội cấp cơ sở sẽ là người sử dụng bộ tài liệu này nên họ cũng sẽ đưa ra những ý kiến rất xác thực và hữu ích về ngôn ngữ cũng như nội dung được biên soạn. Và kết quả là dự án rất thành công và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bên liên quan.

Chị Trân cũng rất đồng tình với chia sẻ của chú Vân ở phần một về tầm quan trọng của thang đo sự tham gia, và khuyến khích các dự án cộng đồng nên áp dụng thang đo này để có thể hiểu cộng đồng của mình hơn.

Kết thúc buổi NPO café cuối năm là một số câu hỏi về kinh nghiệm làm việc với đối tượng thụ hưởng từ người tham dự dành cho khách mời và một số chia sẻ từ các nhóm đang thực hiện và đẩy mạnh việc tham gia của đối tượng thụ hưởng.

Related Posts