Bạn quan tâm tới các vấn đề xã hội? Bạn giàu năng lượng và giàu ý tưởng cho các dự án cộng đồng và xã hội nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Bạn tò mò muốn biết câu chuyện đằng sau của một dự án khả thi và thành công?
Nếu bạn nhìn thấy hình ảnh của bản thân trong những câu hỏi trên, rất có thể bạn chính là “hạt nhân” tiếp theo của chương trình Hạt nhân thay đổi 2022 đấy!
LIN đã có cơ hội trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ từ các “Hạt nhân” đi trước về chương trình nói riêng và công việc trong ngành Phi lợi nhuận nói chung. Hãy khám phá cùng LIN những chia sẻ hữu ích từ các học viên của Hạt nhân thay đổi những năm trước bạn nhé!
Cô Nguyễn Lang Mộng – Trưởng nhóm Hội cha mẹ gia đình người thân cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới Sài Gòn (PFLAG Saigon)
“Lớp Hạt nhân thay đổi đã thay đổi bản thân tôi rất nhiều.”
Là Trưởng nhóm Hội cha mẹ gia đình người thân cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới Sài Gòn (PFLAG Saigon), cô Nguyễn Lang Mộng đã tham gia chương trình Hạt nhân thay đổi năm 2018. Đến với chương trình, cô mong muốn hiểu hơn về chính bản thân mình và biết được mình có thể làm gì và làm như thế nào cho sự phát triển của hoạt động cộng đồng. Hạt nhân thay đổi đã giúp cô có thêm nhiều kết thức về hoạt động xã hội ở thời điểm lúc bấy giờ. Nhờ đó mà cô đã có thêm nhiều nguồn lực để thực hiện mong muốn của cả dự án là góp sức giải quyết một phần các nhu cầu của cộng đồng người thân và của chính các bạn đồng tính, song tính và chuyển giới tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trước khi tham gia Hạt nhân thay đổi, cô nghĩ rằng để có thể thực hiện một dự án chỉ cần sự nhiệt huyết và tấm lòng của mình và đội ngũ. Tuy nhiên sau khi được tiếp cận chương trình tập huấn chuẩn chỉnh và được trò chuyện với các anh chị có kinh nghiệm trong lĩnh vực, cô đã rút ra được 03 yếu tố chính tạo nên tính khả thi của dự án chính là:
- Hiểu rõ nhu cầu của nhóm thụ hưởng
- Có kiến thức và hiểu biết sâu về vấn đề mà mình muốn giải quyết
- Sự chân thành để dự án có thể đi được lâu dài.
Bên cạnh đó, cô Mộng cũng chia sẻ rằng tính chủ động rất cần thiết trong việc hoạt động xã hội, nhất là với các bạn trẻ mới bước chân vào lĩnh vực này. Sự chủ động sẽ giúp các bạn có thêm cơ hội để học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Không những thế, sự chủ động cũng sẽ là bàn đạp giúp các bạn mở rộng các mối quan hệ trong cộng đồng Phi lợi nhuận và từng bước thực hiện mô hình thiện nguyện dựa vào cộng đồng một các bền vững.
Thông qua chương trình Hạt nhân thay đổi năm 2018, cô Mộng cảm thấy bản thân đã thay đổi rất nhiều. Cô nhìn nhận được sự tiến bộ trong công việc, hiểu bản thân và cả những người xung quanh và có thể áp dụng nhiều kiến thức thực tiễn vào dự án của mình.
Anh Phạm Ngọc Hoàng Huy – Sáng lập tổ chức Sách chuyền tay (Books in the city)
“Hạt nhân thay đổi là quá trình founder hiểu founder hơn, tổ chức hiểu tổ chức hơn.”
Anh Phạm Ngọc Hoàng Huy cũng là một trong những Hạt nhân thay đổi nổi bật của năm 2018 với dự án cộng đồng – “Sách chuyền tay”. Đây là một dự án cho mượn sách miễn phí trong cộng đồng và đồng thời tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm kinh nghiệm và kỹ năng thực tế như lần đầu tiên đi thực tập tại các doanh nghiệp.
Tìm đến LIN cùng mong muốn được kết nối và hợp tác với các nhóm/ tổ chức trong lĩnh vực sách, anh đã được giới thiệu đến chương trình Hạt nhân thay đổi năm 2018. Đối với anh, đây là cơ hội để học được những kiến thức chuyên sâu và bền vững trong công cuộc làm dự án và giúp cả đội ngũ kế cận của tổ chức được đào tạo một cách bài bản hơn. Anh Huy chia sẻ rằng: “Nguồn lực mà anh trân quý nhất chính là những chia sẻ từ những anh chị gạo cội trong nghề. Trải nghiệm đó đã mang đến cho anh nhiều niềm vui và tiếp thêm cho anh động lực để tiếp tục công việc của mình. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với những kiến thức chuyên môn từ hàn lâm cho đến thực tế đã giúp lối tư duy của anh thoát ra khỏi chiếc hộp của chính mình.” Với những kiến thức và triết lý làm dự án hiện tại mà anh Huy đã góp nhặt được từ chương trình, anh cảm thấy mình có bản lĩnh hơn với định hướng và triết lý rõ ràng cho cá nhân anh và tổ chức. Ngoài ra, anh Huy còn nhận thấy một gia tăng gắn kết trong đội nhóm từ việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng và cảm xúc với nhau sau khi tham gia chương trình.
Với trải nghiệm tham gia Hạt nhân thay đổi và các chương trình khác, cùng khoảng thời gian dài vận hành tổ chức, anh Huy đã rút ra được 03 yếu tố chính tạo nên tính khả thi của dự án bao gồm:
- Dựa trên nhu cầu thực tế từ cộng động: xác định được những nhu cầu có thể gọi tên của các đối tượng thụ hưởng mà dự án muốn nhắm đến bằng cách khảo sát và đánh giá nhu cầu của cộng đồng.
- Phù hợp với đam mê của nhóm sáng lập: Một dự án có yếu tố dài hạn sẽ giúp tiết kiệm được nguồn lực của cộng đồng. Để đạt được tính dài hạn đó, dự án phải có điểm xuất phát từ đam mê để giúp đội ngũ lèo lái vượt qua những khó khăn phía trước.
- Nguồn lực chất lượng từ bên trong lẫn bên ngoài: Nguồn lực bên trong đến từ tính chuyên môn của đội ngũ sáng lập được đúc kết từ kinh nghiệm và từ các chương trình đào tạo như Hạt nhân thay đổi. Còn nguồn lực bên ngoài lại đến từ các đối tác của tổ chức. Được làm việc với những đối tác có nhiệt huyết hay nhiều năm kinh nghiệm cùng hệ thống chuẩn chỉnh sẽ giúp bản thân tổ chức học hỏi và phát triển rất nhiều.
Theo anh Huy, đối với những tân binh trong lĩnh vực Phi lợi nhuận thì sự chủ động học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển rất là cần thiết. Đó sẽ là cơ hội giúp bạn tiếp cận được những Mentor – người dẫn dắt chất lượng trong lĩnh vực của mà mình đã lựa chọn. Trên con đường phát triển cùng với những người dẫn dắt có những kỳ vọng cao, các bạn sẽ được bức phá bản thân nhưng cũng đừng để việc này gây áp lực quá lớn đến tâm lý của các bạn nhé.
Chị Lê Ngọc Trúc Linh – Đồng sáng lập dự án Y học Sài Gòn
“Chị được truyền lửa rất nhiều từ mọi người. Chị thực sự rất biết ơn vì điều đó.”
Là đồng sáng lập của dự án Y học Sài Gòn, chị Trúc Linh tham gia Hạt nhân thay đổi năm 2021. Trước khi hoạt động trong ngành công tác xã hội, chị đã từng làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau từ ngân hàng đến hàng không. Sau khi trải nghiệm công việc tiếp theo tại một tổ chức Phi chính phủ về trẻ em, chị đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khiến chị quyết định theo đuổi lĩnh vực này. Hạt nhân thay đổi đến với chị như một cái duyên khi chị đang tìm kiếm cơ hội để học hỏi, trải nghiệm nhiều hơn những kiến thức, kỹ năng và mở rộng mạng lưới kết nối với mọi người trong lĩnh vực Phi lợi nhuận.
Chị Linh chia sẻ, trước khi tham gia Hạt nhân thay đổi, tuy bản thân rất giàu năng lượng, nhiệt huyết và luôn mong muốn làm một điều gì đó cho cộng đồng nhưng chị lại không biết bắt đầu từ đâu hay cần phải làm gì. Trong khi đó, để chuyển đổi từ ý tưởng đến dự án thực tế cần rất nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài kiến thức, người làm dự án cần hiểu được nhu cầu thực sự và đặc điểm của cộng đồng. Sau khi tham gia Hạt nhân thay đổi 2021, chị Linh đã có thêm kiến thức và định hướng để dần bắt tay vào dự án, từ đó chị đã rút ra 03 yếu tố then chốt làm nên tính khả thi của dự án, bao gồm:
- Biết cách sử dụng các nguồn lực
- Đáp ứng được nhu cầu xã hội và cộng đồng cần
- Hiểu rõ nội lực của mình
Theo chị Linh, để làm nên một dự án thành công, sự chủ động học hỏi kỹ năng, kiến thức để xây dựng và triển khai dự án có vai trò cốt lõi. Với các bạn mới bước vào ngành Phi lợi nhuận, nguồn năng lượng và hoài bão luôn dồi dào nhưng chỉ thế thôi vẫn chưa đủ. Bên cạnh đó, do tính chất công việc trong ngành Phi lợi nhuận sẽ tạo ra những tác động trực tiếp đến con người, vì vậy sự chủ động học hỏi là không thể thiếu để biến ý tưởng thành dự án. Người làm dự án có thể chủ động học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau: các chương trình đào tạo, các chuyến đi khảo sát thực tế, hay từ các anh chị đi trước.
Đồng thời, việc có một cộng đồng là một yếu tố quan trọng trong quá trình làm việc nói riêng và việc duy trì năng lượng, đam mê nói chung. Chị Linh chia sẻ: “Nếu mình không nhận được năng lượng từ cộng đồng thì mình khó làm được bất kì việc gì. Ngành này có rất nhiều khó khăn từ cách triển khai, cách hoạt động, nhiều lúc mình sẽ hoài nghi. Chỉ khi mình ở trong một cộng đồng, mình mới cảm thấy thêm niềm tin, thêm vững chãi, mình không cô đơn và được giúp đỡ rất nhiều.” Yếu tố cộng đồng đó cũng được thể hiện qua sự xích lại ngày một gần nhau hơn của các nhóm, tổ chức Phi lợi nhuận (đặc biệt khi đại dịch COVID xảy ra) – theo quan sát cá nhân của chị Linh, đó cũng chính là bước tiến phát triển của hệ sinh thái thiện nguyện tại Việt Nam.
Anh Trần Trung Hiệp – Quản lý Dịch vụ phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu Nắng Mới
“Nội dung chương trình bao hàm gần đủ những gì các bạn mới bước vào Phi lợi nhuận cần.”
Dự án Dịch vụ phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu Nắng mới là ý tưởng dự án của anh Trần Trung Hiệp – học viên Hạt nhân thay đổi năm 2021. Trong quá trình hoạt động với cộng đồng người khiếm thính, nhận thấy những vấn đề đang xảy ra và chưa có giải pháp nào, có được sự ủng hộ và góp sức từ cộng đồng người khiếm thính, dự án đã được thành hình.
Tìm đến Hạt nhân thay đổi cùng mong muốn được học hỏi và kết nối với nhiều người có chung sự quan tâm về cộng đồng, anh Hiệp đã được tham gia vào nội dung sát sao với thực tế, với mong muốn phát triển của bản thân. Đồng thời, với kinh nghiệm lâu năm trong ngành của các giáo viên và hoạt động Mentoring ngay từ buổi đầu tiên của chương trình – đã giải đáp cho anh gần như tất cả các thắc mắc về hoạt động phi lợi nhuận, từ đó có thể triển khai một dự án nhỏ.
Anh Hiệp cũng chia sẻ với LIN về 03 yếu tố then chốt để làm nên tính khả thi của dự án:
- Có sẵn nguồn lực: đặc biệt về yếu tố con người, những cá nhân trực tiếp thực hiện và những cá nhân/tổ chức cùng đồng hành. Sau đó, mới là yếu tố tài chính.
- Có sự ủng hộ của cộng đồng thụ hưởng.
- Sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ nhà tài trợ hoặc chương trình Grant. Thông thường tổ chức dự án chỉ mạnh về mặt lên kế hoạch và thực hiện giải pháp, còn về việc khác như truyền thông, gây quỹ, báo cáo… lại thuộc về chuyên môn khác, cũng quan trọng không kém.
Theo anh Hiệp, sự chủ động học hỏi kiến thức mới, kỹ năng mới là điều bắt buộc với tất cả tổ chức, đặc biệt tổ chức mới. Tuy nhiên, học cái gì, ở từ ai, áp dụng như thế nào thì nhiều tổ chức mới sẽ không biết được. “Đây là lý do vì sao lớp học Hạt nhân thay đổi lại quan trọng với các tổ chức NPO mới… Chương trình bao hàm gần như đủ các nội dung mà một người mới bước chân vào ngành phi lợi nhuận sẽ cần để hoạt động. Dự án vẫn có những vấn đề phát sinh, và nhóm mình đã học ngay từ những vấn đề đó. Hạt nhân thay đổi là một chương trình cần thiết để các NPO mới có thể lường trước và tránh những vấn đề này. ” – anh Hiệp khẳng định.
Bên cạnh đó, anh Hiệp cũng chia sẻ chương trình là một trong số ít những chương trình tạo được không khí thoải mái và tập cho học viên nói lên những ý kiến thật của mình và cũng như tập lắng nghe những ý kiến trái với mình.
Đừng bỏ qua cơ hội năm nay, vì bạn có thể là Hạt nhân tiếp theo để tạo ra những thay đổi cho xã hội! “Tăng cường năng lực – Ươm mầm đổi thay” để triển khai những ý tưởng dự án của bạn bằng cách đăng ký cho LIN để tham gia Hạt nhân thay đổi 2022 nhé!
Thông tin chương trình:
Hạn cuối đăng ký: 5/5/2022
Cẩm nang chương trình: https://bit.ly/LINIA22
Đơn đăng ký: https://forms.gle/U5wRqCpVeqoZSTQG6
——————————————————————————-