“Mấy ngày đầu trẻ im re, em có lại nói chuyện nhưng mà bé đó không thèm chú ý đến, rồi em kiên nhẫn mỗi ngày kể chuyện cho bé nghe, đến ngày thứ năm khi em lên phòng thì nghe bé đó reo lên “A chị lên rồi!”, làm em thấy như mình mới đạt thành tựu gì to lớn lắm.”
Đó là lời chia sẻ thân tình từ một bạn tình nguyện viên của Nhóm công tác xã hội bệnh viện Happier khi trao đổi với LIN về dự án “Chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho trẻ đang điều trị bệnh tại khoa tim mạch” trong buổi thực địa ngày 9/6 vừa qua.
Đây là dự án được tài trợ 45,405,000 VNĐ từ Quỹ Cộng Đồng Rút Ngắn Khoảng Cách vòng III.2015 thực hiện từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2016 nhằm giúp trẻ và thân nhân tại Khoa Tim Mạch – Bệnh viện Nhi Đồng 1 có tâm lý thoải mái, giảm bớt áp lực trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Dự án có 2 hoạt động chính là sinh hoạt nhóm trẻ và sinh hoạt với phụ huynh. Với trẻ, Happier tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, dạy kỹ năng để giúp trẻ có thể vui vẻ, hòa đồng có thể quên đi nỗi đau mà bệnh tật mang lại, đồng thời học thêm được các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, có tâm lý vui vẻ, thoải mái. Đối với phụ huynh, Happier tổ chức sinh hoạt chia sẻ về kiến thức: dinh dưỡng, tâm lý trẻ, cách chăm sóc trẻ.
Đến nay, dự án đã tổ chức được 5 buổi sinh hoạt với trẻ và 4 buổi với phụ huynh. Ban đầu Happier dự định tổ chức 1 buổi/1 tháng cho trẻ và phụ huynh, song nhận thấy được nhu cầu tăng, nên Happier đã quyết định gia tăng 2 buổi/tháng cùng với hoạt động tiếp xúc trẻ tại phòng bệnh 5 ngày trong tuần.
Khi được hỏi về cách sinh hoạt với trẻ, các bạn tình nguyện viên Happier cho biết mỗi lần sinh hoạt sẽ có một nhóm 3 bạn: một bạn điều phối, một bạn phụ trách trò chơi, và một bạn làm thư ký ghi chép lại hoạt động cũng như quan sát trẻ. Các bạn sử dụng những hình thức thân thiện với trẻ, như ghép tranh, tô màu, kể chuyện, xem phim hoạt hình vừa giúp trẻ thư giãn vừa dạy trẻ kỹ năng xác định giá trị bản thân.
Happier cũng tạo hồ sơ xã hội cho từng trẻ nhằm theo dõi biến chuyển của trẻ tạo ra bởi những hoạt động của dự án, sau mỗi buổi sinh hoạt, nhân viên và tình nguyện viên Happier cũng đều ngồi lại lượng giá buổi sinh hoạt để xem mình đã làm tốt điểm nào, và những điểm nào có thể cải thiện để buổi sinh hoạt sau hiệu quả hơn.
Đối với phụ huynh, Happier cũng kiên trì tạo dựng niềm tin bằng cách hỗ trợ họ những thủ tục hành chính khi ra vào viện, trò chuyện với họ, rồi dần chia sẻ với họ những cách thức chăm sóc con khi nằm viện.
Một câu chuyện vui mà bạn tình nguyện viên Happier kể cho chúng tôi là trước đây rất nhiều ba mẹ hù con mình bác sỹ sẽ đến chích mỗi khi con quấy khóc, vô hình chung tạo tâm lý sợ bác sỹ cho trẻ, rồi mỗi khi tình nguyện viên đến chơi với trẻ, trẻ lại tưởng bạn là bác sỹ nên tránh né. Sau đó, tình nguyện viên phải giải thích với trẻ, “bác sỹ dễ thương lắm, chích cho con chỉ để mong con mau hết bệnh thôi”. Dần dần, trẻ bớt đi nỗi ám ảnh với bác sỹ, còn phụ huynh cũng ân cần dỗ dành con mình chứ không hù dọa hay đánh đòn trẻ nữa.
Chúng tôi cũng có dịp trao đổi với một bác sỹ về hoạt động của Happier tại bệnh viện, bác sỹ cho biết Happier “là cánh tay nối dài của bệnh viện”, vì nhân viên y tế rất bận rộn, nhiều khi họ không có thời gian trò chuyện với từng bệnh nhân và thân nhân, hoặc có khi tâm lý ngại nhân viên y tế cũng gây khó khăn cho cả hai bên, chính Happier đã hỗ trợ rút ngắn khoảng cách này giữa nhân viên y tế và bệnh nhân & thân nhân.
Bệnh viện cũng hỗ trợ Happier trong việc tập huấn chuyên môn về bệnh lý, cách giao tiếp với trẻ và phụ huynh, và những vấn đề tâm lý trẻ có thể gặp phải để làm việc tốt hơn với trẻ. Các bạn tình nguyện viên cũng có được một căn phòng nho nhỏ làm chỗ nghỉ ngơi, họp nhóm, và được hỗ trợ về mặt pháp lý khi các bạn muốn viết đề xuất dự án gây quỹ hoạt động.
Các bạn tình nguyện viên Happier cũng thẳng thắn cho chúng tôi biết những khó khăn mà dự án gặp phải. Đó là việc tập trung phụ huynh để sinh hoạt, khi mà họ phải chăm con, hoặc đi xin cơm từ thiện, hoặc gặp bác sỹ để được cập nhật tình hình con mình, hoặc việc ra vào viện thường xuyên, những việc này khiến cho nội dung sinh hoạt không được truyền tải một cách suôn sẻ đến phụ huynh.
Happier giải quyết bằng cách các bạn sẽ đi nói chuyện lại với phụ huynh hoặc nhờ phụ huynh khách truyền đạt lại nội dung của buổi sinh hoạt hôm đó. Hoặc việc tiếp xúc với trẻ, do các bạn đang là sinh viên, những kiến thức được học ở trường hay tập huấn ở bệnh viện chỉ mới là lý thuyết, nên những buổi đầu các bạn cũng gặp không ít trở ngại. Nhưng rồi các bạn vẫn nói với chúng tôi “thương tụi nhỏ nên khó bỏ lắm chị ơi!”.
Mời mọi người cùng xem thêm:
- Nội dung chi tiết dự án: http://bit.ly/ChamSocTreKhoaTimMach
- Thông tin về Happier: http://bit.ly/ThongTinHappier
- Kêu gọi tài trợ vòng II.2016: http://bit.ly/KeuGoiYTuongDuAn