Vào tối ngày 22 tháng 6, nhân viên LIN đã có một cuộc trao đổi với chị Dung, người đồng sáng lập và thành viên của nhóm “Tủ sách ước mơ” tại Trung tâm LIN để cập nhật quá trình thực hiện dự án “ Tủ sách ước mơ”, một dự án nhận tài trợ từ LIN.
Mục tiêu của dự án này là tạo ra sự công bằng cho trẻ em Việt Nam về quyền tiếp cận nguồn tri thức từ sách và xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho trẻ em. Cho đến hiện tại, nhóm đã thực hiện được hai trong ba dự án mục tiêu đề ra ban đầu và sử dụng 10,544,000 VNĐ trong tổng số tiền tài trợ 15,000,000 VNĐ. Tiêu chí dự án trao tặng tủ sách của nhóm là: đối tác nhận tủ sách (nhà trường hoặc lớp học tình thương) phải có mong muốn xây dựng tủ sách và nằm trong diện khó khăn, và đối tác phải có đại diện theo dõi và quản lý tủ sách.
Địa điểm xây dựng tủ sách đầu tiên là trường tiểu học Thành An, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre vào tháng 12/2015. Nhóm đã phối hợp với nhóm Tre gồm những sinh viên trường đại học Ngoại Thương am hiểu quá trình hoạt động tại đây để tiếp cận 200 em học sinh từ lớp Một đến lớp Năm. Mặc dù kế hoạch ban đầu là 1000 em của ba trường ở vùng sâu vùng xa nhưng khi triển khai thì nhóm nhận thấy thay vì chỉ tặng sách cho thư viện trường, nhóm có thể đưa tác động sâu rộng hơn đến đối tượng thụ hưởng trong vòng từ 3 đến 5 năm nên đã thu hẹp phạm vi và số lượng. Số sách tặng cho trường được chia ra cho từng lớp, khoảng 1 đến 2 tháng sẽ luân chuyển sách giữa các lớp học, như vậy các em có ý thức hơn về việc tự lấy sách đọc cũng như quản lý tủ sách của mình dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Nhóm cũng phối hợp với nhà trường để triển khai “Ngày hội đọc sách” vào ngày 25 tháng 12 năm 2015 với các gian hàng đọc sách, trò chơi dân gian nhằm chia sẻ tình yêu đọc sách cũng như ý thức bảo quản sách cho các em; ngoài ra còn có các phong trào thi đua đọc sách giữa các lớp. Giáo viên rất hưởng ứng các hoạt động này và chủ động trong việc luân chuyển sách. Các em hứng thú hơn trong việc trau dồi kiến thức qua nhiều thể loại sách khác nhau, như thế còn tạo cho các em thói quen đọc sách.
Tuy nhiên, do “Tủ sách ước mơ” chỉ cập nhật dự án thông qua nhóm đối tác và từ phía nhà trường là chủ yếu nên chưa có sự sâu sát trong việc đánh giá kết quả chính xác. Việc không ổn định về mặt nhân sự của nhóm cũng gây khó khăn trong việc cập nhật thông tin dự án. Ngoài ra, nhà trường và thầy cô vẫn còn thụ động trong việc tự triển khai các hoạt động khác thông qua các kênh thông tin có sẵn như đài phát thanh, buổi kể chuyện đầu tháng nên “Tủ sách ước mơ” muốn đề nghị tận dụng những kênh này để có được tác động tốt hơn. Nhóm còn muốn trang bị kỹ năng quản lý tủ sách cho học sinh bằng cách thành lập một nhóm các em trong lớp quản lý sách để chủ động giới thiệu sách đến các bạn khác. Nhóm sẽ gia hạn thời gian cam kết hoạt động với nhà trường để thực hiện các mục tiêu này và để đánh giá tác động thật sự của dự án. Như vậy, trong thời gian sắp tới, “Tủ sách ước mơ” sẽ phải lên kế hoạch cho một quy trình chuẩn và thay đổi cơ cấu nhân sự để triển khai hiệu quả các phong trào nâng cao văn hóa đọc ở Bến Tre.
Địa điểm thứ hai mà nhóm tặng sách là lớp học “Chắp cánh ước mơ” của thầy Nhật, tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn vào tháng 3/2016. Trước đó, nhóm đã thực hiện dự án khác với lớp học này nên việc tiếp cận với các em tại đây khá dễ dàng. Tổng số các em đến lớp học của thầy khoảng 50 đến 60 em và lớp đã duy trì được trong 2 năm. Thầy Nhật có chương trình dạy kỹ năng riêng nên nhóm không triển khai nhiều hoạt động tại đây. Một lý do khác là vì các em chỉ học khoảng 2 đến 3 tiếng vào các Chủ Nhật, lại đi học không đều do phụ huynh của các em vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Tuy nhiên, các em thực hiện rất tốt việc quản lý sách, đếm số lượng sách và chia sách ra đọc, có lúc sẽ có một em đọc sách cho các bạn nghe hoặc nếu em nào có khó khăn trong việc đọc sách thì trợ giảng của lớp sẽ giúp em đọc. Các bạn trong lớp tôn trọng thời gian đọc sách và luôn giữ im lặng khi đọc. Thầy Nhật sẽ dạy các kỹ năng như giao tiếp, chào hỏi, các bài học đạo đức; trò chơi dân gian giúp tạo sự kiên nhẫn hay chế tạo ra những vật dụng, dụng cụ học tập cho các em. Sau khi đọc sách xong, thầy cũng sẽ giảng về các bài học có trong sách. Nhóm cũng dự định sẽ thực hiện các lớp kỹ năng ở các dự án khác với kinh nghiệm học được từ thầy.
Với bộ công cụ lượng giá hoạt động dự án, nhóm chỉ có một số tiêu chí cơ bản để đánh giá và cần phát triển hoàn thiện bộ công cụ này trong thời gian sắp tới, cụ thể là trước năm học mới để có thể đánh giá một cách chính xác và chi tiết về sự thành công cũng như tính bền vững của dự án. Để làm được điều này, nhóm muốn nhờ LIN hỗ trợ. Chị Dung cũng chia sẻ muốn nhờ LIN giới thiệu các chuyên gia có chuyên môn về giáo dục, quản lý thư viện hoặc quản lý, tổ chức các phong trào đọc sách để “Tủ sách ước mơ” học hỏi, sau đó có thể tự lập ra một thư viện riêng.
Dự án dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng 7 năm 2016 nhưng việc tìm kiếm đối tác là các lớp học tình thương trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn. Lý do là vì đa số các lớp học đã có tủ sách, ngoài ra còn do các lớp này không được tổ chức ổn định để có thể triển khai các hoạt động của dự án. Nhóm đề nghị gia hạn dự án và sẽ gửi LIN bản kế hoạch cụ thể. Sắp tới, nhóm cũng sẽ ổn định các dự án ở trường học, lớp học để mở rộng ra quy mô địa phương và trao tặng tủ sách cộng đồng.
Nếu bạn quan tâm đến dự án này, cũng như muốn hỗ trợ “Tủ sách ước mơ”, xin mời liên hệ trực tiếp với chị Nguyễn Thị Nữ – Quản lý nhóm qua địa chỉ email: nunguyen146@gmail.com hoặc liên hệ với LIN qua thaovy@linvn.org.