Nhắc đến các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các tổ chức xã hội trong khuôn khổ các chương trình Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) hoặc Thiện nguyện Doanh nghiệp, người ta không thể không nhắc đến Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN (LIN Center) – đơn vị đóng vai trò tư vấn về thiện nguyện doanh nghiệp cũng như làm “ông tơ, bà nguyệt” cho các mối quan hệ hợp tác hướng tới tác động xã hội.
Giữa rất nhiều những hoạt động nổi bật, Hội Nghị Đa Phương Thường Niên (Annual Cross-sector Conference) chính là một “mảnh ghép” ấn tượng giúp LIN Center ngày càng khẳng định vai trò kết nối hướng đến tác động xã hội, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Trước thềm Hội Nghị Đa Phương Thường Niên lần V vào 26.08 sắp tới, Sài Gòn Times mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ tâm huyết của chị Lâm Ngọc Thảo – Giám đốc điều hành LIN Center để hiểu hơn về vai trò của LIN và ý nghĩa, những kỳ vọng của LIN thông qua Hội Nghị Đa Phương Thường Niên năm nay.
Hợp tác là tất yếu để hướng đến giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, vốn rất phức tạp và đa chiều!
Hội Nghị Đa Phương Thường Niên là một hoạt động như thế nào và đang đóng vai trò gì trong chuỗi hoạt động của LIN Center? Mục đích của hội nghị này là gì?
Chị Lâm Ngọc Thảo: Hội Nghị Đa Phương Thường Niên do LIN Center tổ chức hiện là hội nghị thường niên duy nhất ở Việt Nam thúc đẩy vấn đề hợp tác đa phương nhằm tạo ra tác động xã hội.
Trong 12 năm qua, LIN Center vẫn bền bỉ với sứ mệnh thúc đẩy hệ sinh thái thiện nguyện cộng đồng, thông qua các chương trình hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội, với mục đích cuối cùng là đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Các chương trình của LIN Center tập trung vào tăng cường năng lực cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương, nâng cao nhận thức về thiện nguyện bền vững và thiện nguyện chiến lược cho công chúng, các nhà tài trợ doanh nghiệp và cá nhân, cũng như kết nối nguồn tài trợ, tình nguyện viên đến các tổ chức đang cần.
Đồng thời, chúng tôi nhận thấy sự hợp tác giữa các chủ thể xã hội (tổ chức phi lợi nhuận địa phương, doanh nghiệp, chính phủ, cá nhân…) là vô cùng quan trọng để có thể thúc đẩy sự phát triển của “hệ sinh thái” thiện nguyện trong nước. Hội Nghị Đa Phương Thường Niên ra đời nhằm mục đích tạo nên một không gian kết nối, truyền cảm hứng và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, câu chuyện thành công của việc hợp tác hướng đến tác động xã hội.
Vì sao doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, các nhà nghiên cứu tác động xã hội, chính phủ… cần gắn kết, hợp tác để cùng tạo ra tác động xã hội, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của đất nước và địa phương?
Chị Lâm Ngọc Thảo: Những vấn đề xã hội, môi trường, kinh tế, văn hóa mà thế giới cũng như các quốc gia đang đối mặt luôn phức tạp, đa chiều, thách thức sự giới hạn về năng lực cũng như nguồn lực của bất kỳ khu vực nào dù đó là chính phủ, doanh nghiệp hay khối phi lợi nhuận.
Trong suốt 12 năm làm công việc hỗ trợ và đồng hành cùng với các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ và tình nguyện viên, chúng tôi nhận thấy một thực tế là mỗi “khối” đều có hạn chế về nguồn lực và năng lực để có thể tự mình giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Ví dụ như khối doanh nghiệp có thể “dồi dào” về mặt nguồn lực, sức người, sức của nhưng họ thường thiếu thông tin, kiến thức về các vấn đề xã hội, môi trường và các giải pháp dài hạn, bền vững để giải quyết những vấn đề đó.
Trong khi đó các tổ chức phi lợi nhuận, vốn sinh ra để cung cấp các giải pháp phát triển cộng đồng thì rất eo hẹp về mặt nguồn lực. Ngoài ra, đa số các tổ chức địa phương gặp hạn chế năng lực về mô hình phát triển và quản trị tổ chức, truyền thông, quản lý tài chính… để hỗ trợ cho hoạt động của mình. Mặt khác, chúng ta cần tìm thêm giải pháp từ nội lực sẵn có thay vì cứ chờ đợi giải pháp từ phía chính phủ vì nguồn lực của chính phủ cũng không phải là vô hạn.
Trong tình huống này, sự hợp tác và gắn kết giữa các “khối” trở thành tất yếu để các giải pháp cho các vấn đề của cộng đồng được giải quyết toàn vẹn, bền vững và tạo ra được những tác động và thay đổi lớn.
Chị đánh giá như thế nào về mức độ hợp tác giữa các “khối” trong việc giải quyết các vấn đề cộng đồng hiện nay ở Việt Nam?
Chị Lâm Ngọc Thảo: Công việc “kết nối nguồn lực” giữa các bên đã cho tôi cơ hội tiếp xúc và làm việc với các “khối” khác nhau. Tôi nhận ra rằng các bên vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc hợp tác, đi cùng với nhau. Phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận địa phương và những cá nhân làm thiện nguyện vẫn đang đi trên những con đường riêng biệt. Nhiều doanh nghiệp tự thiết kế và thực hiện các hoạt động từ thiện cứu trợ. Nhiều cá nhân trong xã hội cũng chọn cách đến tận nơi, làm từ thiện theo cách của mình. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận địa phương vì nguồn lực eo hẹp cũng chỉ triển khai được những dự án, hoạt động nhỏ lẻ. Việc thiếu vắng sự hợp tác, theo tôi, điều này sẽ dẫn đến hai kết quả không mong muốn:
– Một là nguồn lực xã hội không được phân phối một cách hiệu quả nhất, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của cộng đồng.
– Hai là các hoạt động phát triển cộng đồng triển khai đơn lẻ khó có thể tạo ra tác động dài hạn và bền vững.
Ngoài việc chưa đánh giá đúng vai trò của hợp tác, các “khối” cũng cần được tiếp cận với những mô hình, cách thức hợp tác hiệu quả, sáng tạo cũng như những bài học kinh nghiệm, câu chuyện thành công trong việc hợp tác hướng đến tạo ra tác động xã hội.
Niềm tin (trust) quyết định 80% thành công của một mối quan hệ đối tác hướng đến tác động xã hội
Theo chị, điều gì đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định sự thành công của các mối quan hệ hợp tác đa phương hướng đến tạo ra tác động xã hội?
Chị Lâm Ngọc Thảo: Tôi nghĩ rằng trong bất cứ mối quan hệ hợp tác nào, chứ không chỉ là hợp tác hướng đến tác động xã hội, niềm tin (trust) luôn đóng vai trò rất quan trọng. Khi niềm tin trong mối quan hệ hợp tác tăng cao, nó sẽ tác động làm tăng tốc độ và giảm chi phí thực hiện (Theo “Tốc độ của niềm tin”, Stephen M. R. Covey). Công thức này khiến yếu tố niềm tin trở thành nhân tố thúc đẩy cho những tác động xã hội được tạo ra từ những mối quan hệ hợp tác đó. Xây dựng mối quan hệ hợp tác dựa trên niềm tin càng đặc biệt trở nên quan trọng trong bối cảnh bất ổn của một thế giới trong và hậu Covid-19, bởi nó làm giảm bớt những nghi ngờ và do dự trong quá trình đưa ra những quyết định quan trọng và kịp thời cho bất kỳ một hoạt động, dự án hoặc thậm chí là một tổ chức nào.
Những scandal về các hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo gần đây cũng cho thấy thực trạng của niềm tin trong các hoạt động phát triển cộng đồng. Rõ ràng là đang có một sự sụt giảm khá nghiêm trọng về mức độ của niềm tin giữa các “khối” (chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, người dân…) với nhau, và điều này đã và đang trở thành rào cản để các khối hợp tác, cùng giải quyết những vấn đề của cộng đồng.
Những tiêu chí nào được sử dụng để đánh giá về mức độ của niềm tin trong mối một mối quan hệ hợp tác hướng tới tác động xã hội?
Chị Lâm Ngọc Thảo: Mọi người thường chỉ tập trung vào các tiêu chí minh bạch, liêm chính để xác định niềm tin trong hợp tác. Tuy nhiên, một mối quan hệ hợp tác trên cơ sở niềm tin, hướng đến tạo ra tác động xã hội sẽ xoay quanh 3 trọng tâm:
– Mục tiêu chung của các bên trong mối quan hệ đối tác phải là tạo ra tác động xã hội. Mục tiêu này sẽ giúp gắn kết và đảm bảo sự cam kết của các bên trong mối quan hệ hợp tác.
– Sự cân bằng quyền lực giữa các đối tác. Một cán cân quá thiên lệch về quyền lực trong mối quan hệ đối tác cũng khó tạo ra được niềm tin. Một sự hợp tác giữa “nhà đầu tư tác động xã hội” và đơn vị cung cấp giải pháp phát triển cộng đồng sẽ cân bằng về quyền lực, hiệu quả về hoạt động và minh bạch về giải trình hơn là quan hệ “xin – cho tài trợ”.
– Tính minh bạch, bao gồm về minh bạch tài chính và minh bạch về kết quả hoạt động (báo cáo tác động).
Chúng tôi mong muốn tiếp cận nhiều hơn với các doanh nghiệp nội địa
Hội Nghị Đa Phương Thường Niên do LIN Center tổ chức đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác dựa trên niềm tin như thế nào? Những điểm đáng chú ý của Hội nghị 2021 sắp tới?
Chị Lâm Ngọc Thảo: Như có đề cập từ đầu, Hội Nghị Đa Phương Thường Niên hiện là “platform” duy nhất tại Việt Nam thúc đẩy vấn đề hợp tác đa phương hướng tới tác động xã hội. Đến với hội nghị, khách tham dự sẽ được tiếp cận với những kiến thức, mô hình hợp tác sáng tạo, hiệu quả. Những khóa tập huấn tại hội nghị cũng cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp xây dựng, duy trì và vận dụng quan hệ hợp tác nhằm tạo ra tác động xã hội. Hội nghị cũng tạo ra cơ hội kết nối để các khách tham dự đến từ các lĩnh vực khác nhau có thể tìm kiếm đối tác tiềm năng.
Năm nay, hội nghị sẽ được tổ chức online và diễn ra vào 2 ngày 26 và 27/8 với chủ đề “Nối dài tác động”. Nội dung hội nghị sẽ tập trung vào 3 điểm chính của hành trình xây dựng mối quan hệ hợp tác dựa trên niềm tin:
– Tầm nhìn
– Gắn kết
– Tác động và quá trình học hỏi lẫn nhau giữa các đối tác
Thông qua các hội thảo, thảo luận và các bài phát biểu quan trọng đầy cảm hứng, đại diện của các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm, kỹ năng và hiểu biết của họ về cách họ phát triển quan hệ đối tác đa phương.
Người đăng ký tham dự sẽ có quyền truy cập vào các bài phát biểu chính, thảo luận, hội thảo, các buổi kết nối và tài liệu sự kiện trong suốt 2 ngày.
Chương trình hội nghị đa phương thường niên năm 2020
Sau 4 năm tổ chức, điều gì khiến chị ấn tượng nhất về hội nghị? Định hướng phát triển sắp tới của Hội nghị là gì?
Chị Lâm Ngọc Thảo: Điều khiến tôi ấn tượng nhất là sự quan tâm của những người tham dự hội nghị đến từ các lĩnh vực khác nhau. Sau 4 năm tổ chức, hội nghị đã trở thành “điểm hẹn” hàng năm của những người quan tâm đến vấn đề hợp tác và tác động xã hội, phát triển bền vững. Nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực từ các diễn giả khi họ tham gia chia sẻ tại hội nghị cũng là điều khiến tôi luôn tâm đắc.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hội nghị. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì các doanh nghiệp nội đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến những mô hình tạo ra tác động mới và hiệu quả chứ không chỉ tập trung vào việc làm từ thiện. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nội địa vẫn thiếu nhiều thông tin về vấn đề này. Vì thế, LIN Center mong muốn đưa Hội nghị tiếp cận gần thêm nữa với cộng đồng này.
Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực truyền đi thông điệp “nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” để các “khối” có thể tìm đến nhau, gắn kết với nhau cùng góp phần vì một xã hội tốt đẹp và không ai bị bỏ lại phía sau!
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị và xin chúc hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp!
Có thể bạn chưa biết Hội Nghị Đa Phương Thường Niên lần V với chủ đề “Nối dài tác động” sẽ được tổ chức online 100% vào 2 ngày 26 và 27.08.2021. Thông qua chuỗi hội thảo, thảo luận và workshop diễn ra xuyên suốt, hội nghị đặt mục tiêu đưa các nhà lãnh đạo từ các lĩnh vực khác nhau đến gần nhau hơn và có cơ hội chia sẻ về câu chuyện xây dựng quan hệ hợp tác của họ trong quá trình hoạt động xã hội ở Việt Nam. Từ đó thúc đẩy các mô hình kết nối hay nhất và ví dụ thực tế về việc xây dựng quan hệ đối tác dựa trên niềm tin. Khởi xướng từ năm 2017, Hội Nghị Đa Phương Thường Niên đã được tổ chức liên tục 4 năm liền. Đây là một trong 3 hoạt động thể hiện nỗ lực của Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN (LIN Center) trong việc nâng cao sự kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Hội nghị tạo ra không gian trao đổi chuyên sâu giữa các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao, chuyên gia nghiên cứu – hoạt động thiện nguyện, nhà đầu tư tác động xã hội, doanh nhân Việt Nam và quốc tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua việc chia sẻ hệ tư tưởng & những đổi mới về hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam, hội nghị là “điểm đến” của nhiều đơn vị và cá nhân quan tâm với mong muốn gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ hợp tác với mục tiêu, tầm nhìn chung: vì một Việt Nam phồn thịnh và phát triển bền vững. Đôi điều về CEO Lâm Ngọc Thảo Đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành của LIN Center từ tháng 08 năm 2019 sau gần một năm gắn bó với vai trò Giám đốc Tài chính, chị Thảo được các đồng nghiệp và cộng sự đánh giá là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và đối tác chiến lược đáng tin cậy, kiên quyết bền bỉ theo đuổi sứ mệnh phát triển cộng đồng của tổ chức. Với bề dày kinh nghiệm hơn 10 năm trong quản lý tài chính trong lĩnh vực Phi lợi nhuận, chị Thảo đã từng tham gia giảng dạy về tài chính doanh nghiệp cho sinh viên đại học đồng thời tư vấn chiến thuật tài chính và kỹ năng điều hành cho các nhà quản lý của các tổ chức phi lợi nhuận mới. Đầu năm 2018, Lâm Ngọc Thảo được chính phủ Hoa Kỳ chọn tham gia chương trình trao đổi “Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á” nhằm cung cấp cơ hội phát triển kỹ năng lãnh đạo cho các lãnh đạo trẻ Việt Nam. Thông qua đó, chị đã xây dựng xây dựng mạng lưới đối tác rộng lớn với các tổ chức ở Mỹ cũng như các lãnh đạo trẻ đến từ các quốc gia khác nhau cùng làm việc trong lĩnh vực Phát triển cộng đồng. “Tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có khả năng thay đổi và giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đó cũng là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi gắn bó với lĩnh vực Phát triển cộng đồng và với LIN Center”, chị Lâm Ngọc Thảo chia sẻ. |