Tác giả: Vũ Lê – Giám đốc điều hành tổ chức Rainer Valley Corps
Chuyển ngữ: Võ Đình Thi
Bài viết được chuyển ngữ và biên tập với sự cho phép của tác giả.
Xem link bài viết gốc tại đây: We need to stop treating nonprofits the way society treats poor people
Trong một lần đi uống nước với cán bộ dự án của một tổ chức tài trợ, tôi nêu ra một số góp ý về những phiền toái khi phải tuân thủ quy trình báo cáo theo yêu cầu từ quỹ của cô ấy. Công nhận là quỹ này khá thoải mái đối với việc tiền được sử dụng như thế nào, nhưng họ vẫn yêu cầu phải ghi nhận cụ thể là họ đã tài trợ cho bao nhiêu phần trăm của mỗi mục chi phí. Mà cách họ phân chia các mục chi phí thì lại không giống với cách tổ chức tôi phân chia, nên lại phải tốn thời gian để chuyển ngân sách của chúng tôi cho giống như của họ. Và sau khi báo cáo được gửi đi thì nó lại ảnh hưởng đến cách chúng tôi báo cáo cho những quỹ tài trợ khác, làm tốn thêm đáng kể thời gian của tôi và đội ngũ nhân viên trong tổ chức của tôi.
Trước những góp ý của tôi, cô ấy trả lời với giọng nửa đùa nửa thật: “Thế lúc bắt đầu vào ngành này thì anh mong đợi gì, cuộc đời sẽ toàn màu hồng?”
Dĩ nhiên tôi biết cuộc đời không màu hồng, nhưng việc phải bỏ 15 tiếng suy nghĩ xem Quỹ XZY tài trợ bao nhiêu phần trăm trong số 40 triệu tiền văn phòng phẩm và in ấn thì thật sự không đáng để mất thời gian của bất kỳ ai trong chúng ta. Tôi không hề ngại báo cáo những khoản tiền tổ chức tôi đã chi, nhưng làm ơn đừng bắt chúng tôi liệt kê ra chính xác từng thứ được trả bằng khoảng tài trợ 100 triệu của bạn, nhất là khi bạn không tài trợ cho hơn 10% chi phí vận hành của chúng tôi, và không cho chúng tôi chi quá 900 ngàn cho thức ăn, và bạn chỉ muốn báo cáo cho các hoạt động diễn ra trong một khoản thời gian không khớp với thời gian báo cáo thường niên của chúng tôi, và nực cười là bạn không muốn tiền tài trợ của mình được dùng để trả cho giờ làm việc của nhân viên, mà không có nhân viên thì lấy đâu ra người làm báo cáo.
Nhiều lãnh đạo, từ cả các tổ chức phi lợi nhuận và các quỹ tài trợ, đã lên tiếng phản đối việc chỉ cấp tài trợ theo đầu hoạt động hạn chế trong nhiều năm nay rồi. Tôi mừng là đã bắt đầu có một số tiến triển. Tuy nhiên những tiến triển này khá chậm, và nó khiến tôi thắc mắc. Tại sao việc tài trợ cho chi phí vận hành chung lại khó chấp nhận như vậy, trong khi việc tiêu tốn hàng triệu giờ làm việc mỗi năm của các tổ chức phi lợi nhuận để đáp ứng những yêu cầu phi lý, đôi khi gây hại, của những nhà tài trợ lại là chấp nhận được?
Tôi nghĩ câu trả lời có lẽ nằm ở việc cách chúng đối xử với các tổ chức phi lợi nhuận rất giống cách xã hội đối xử với người nghèo. Tôi không nghĩ sự giống nhau này là cố ý. Giống như việc tiềm thức thiên vị một giới tính hay sắc tộc nào đó, đa số chúng ta thậm chí còn không biết là mình đang làm vậy. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu sự giống nhau này qua một số đặc điểm cụ thể, để hiểu và thay đổi nó:
• Triết lý cổ hủ “dạy cách câu cá”: Cái triết lý rất quen thuộc với văn hóa chúng ta này thật sự là trịch thượng và kém hiệu quả, thậm chí còn có hại nữa. Triết lý này cho rằng một bên là nhà thông thái biết tất và bên còn lại là kẻ mông muội chỉ chờ được khai sáng. Nó cũng bỏ qua những hệ thống và những biến số về môi trường. Đúng là chúng ta có thể dạy họ câu cá, nhưng nếu họ không có phương tiện đi đến ao cá, hay ao cá bị ô nhiễm, hay những tàu đánh cá với trang thiết bị hiện đại đã phá hủy nguồn cá thì sao? Lúc đó trong khi chúng ta đang tự hài lòng với bản thân thì họ vẫn đói, dù biết câu cá. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với việc cấp tài trợ với niềm tin rằng các tổ chức phi lợi nhuận có thể tự túc tài chính nếu chúng ta dạy họ cách tự kiếm thu nhập thay vì thường xuyên xin cá miễn phí từ nhà tài trợ và quỹ tài trợ.
• Tư tưởng “tự lực cánh sinh”: Cái niềm tin là mọi người nên tự cải thiện cuộc sống bằng năng lực của bản thân đã làm khổ những gia đình có thu nhập thấp trong nhiều thập kỷ nay. Ta thấy niềm tin này rõ nhất ở những người thành công, họ tin rằng họ đã tự mình đạt được thành tựu mà chẳng cần ai giúp đỡ nên gán mác cho người nghèo là không chịu cố gắng, hoàn toàn bỏ qua những yếu tố như sự khác biệt về hoàn cảnh hay những vấn đề của hệ thống. Tương tự khi đối chiếu với mảng phi lợi nhuận, nhiều người từ mảng doanh nghiệp thường suy nghĩ rằng: “Nếu công ty tôi có thể thành công trong việc tạo ra doanh thu thì tại sao những tổ chức phi lợi nhuận lười biếng kia không thể “tự lực cánh sinh”?” Họ suy nghĩ như vậy mà chẳng quan tâm rằng một nửa số công ty được thành lập phá sản, và có sự khác biệt rất lớn giữa tổ chức phi lợi nhuận và công ty vì lợi nhuận.
• Định kiến về khả năng lên kế hoạch cho tương lai: Chúng ta cho rằng người nghèo không biết lập kế hoạch cho tương lai của họ. Nếu biết thì họ đã chẳng nghèo như vậy rồi. Từ đó suy ra họ chẳng biết lập kế hoạch gì cả. Định kiến này cũng thường được áp dụng luôn cho khối phi lợi nhuận. Nhiều người tin rằng nếu các tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ quá nhiều tiền thì họ sẽ chẳng biết phải làm gì với số tiền đó. Một cán bộ dự án từng nói với tôi thế này: “Tôi không muốn duyệt gói tài trợ nhiều năm, vì làm vậy thì các tổ chức phi lợi nhuận sẽ chẳng còn sáng tạo nữa”. Chẳng có gì khuyến khích sáng tạo bằng những đợt thiếu tiền khẩn cấp thường xuyên khiến tổ chức phi lợi nhuận mất ngủ và sa sút tinh thần cả, phải không?
• Sự thiếu tin tưởng vào khả năng quản lý tiền bạc của người nghèo: Xã hội nghĩ rằng người nghèo không biết cách sử dụng tiền mà chúng ta cho họ. Và vì vậy chúng ta phải giám sát họ. Hãy giám sát khả năng dùng tiền mua thức ăn để họ không thể mua thức ăn bậy bạ, nếu để họ tự quyết thì thế nào họ cũng sẽ chỉ biết lấy tiền đi nhậu và mua đồ ăn không tốt cho con họ như kẹo hay bim bim. Chúng ta cũng đối xử như vậy với các tổ chức phi lợi nhuận. Từng đồng tiền tài trợ phải được giám sát, nếu không họ sẽ lấy tiền đó đi mua ghế ngồi loại đắt tiền hoặc in danh thiếp tốn kém. Và nếu không thể ngăn những tổ chức vô trách nhiệm này sa vào cám dỗ, thì ít nhất phải kiểm soát để tiền tài trợ của chúng ta không bị tiêu tốn vào những món này.
• Đồ-không-chùa: Đã có những đề xuất từ phía nhà tài trợ nhằm phạt người nghèo nếu họ không đạt được những mong đợi phi lý đặt ra cho họ. Chẳng hạn như tước học bổng nếu bọn trẻ không được điểm tốt. Trong khối phi lợi nhuận, số tiền tài trợ bị đe dọa nếu tổ chức nhận tài trợ không tuân theo một số yêu cầu, chẳng hạn như yêu cầu phải hướng đến “sự bền vững”. Một đồng nghiệp từng kể tôi nghe về một quỹ tài trợ không đồng ý chi trả cho lương nhân viên hay những chi phí vận hành khác, vậy mà họ lại bắt tổ chức xin tài trợ phải chứng minh có thể tự túc tài chính trong vòng 1 năm. Thật nực cười phải không?
• Bị phạt nếu thành công: Chúng ta mong đợi người nghèo làm việc và dành dụm để giảm sự phụ thuộc, nhưng khi họ làm được điều đó thì chúng ta lại phạt họ, tước bỏ những quyền lợi của họ nếu họ sắp kiếm được đủ tiền để không còn sống nhờ trợ cấp. Nghịch lý lạ thường này làm cho người nghèo mất đi động lực và cảm thấy bị xúc phạm. Tương tự với các tổ chức phi lợi nhuận, nhiều nhà tài trợ đòi hỏi tự chủ tài chính, nhưng lại phạt những tổ chức nào có nguồn dự trữ chắc chắn, trong khi đây là yếu tố quan trọng nhất cho việc tự chủ tài chính. “Bạn phải tự chủ tài chính, nhưng nếu bạn quá thành công với tự chủ tài chính thì chúng tôi không tài trợ nữa, hoặc lấy lại tiền đã tài trợ cho bạn”. Tôi nhớ có lần phải điên cuồng suy nghĩ cách để tiêu khoản tiền tài trợ còn dư bởi vì nếu không sẽ phải trả lại số tiền này theo yêu cầu của nhà tài trợ, mặc dù lý do chúng tôi còn dư tiền là vì đã chi tiêu sáng suốt. Số tiền này đáng lẽ sẽ có ích hơn cho các dự án của chúng tôi nếu chúng tôi được phép đưa nó vào ngân sách dự phòng.
• Vờ như không thấy: Những người nghèo khổ là một cảnh tượng buồn. Vì vậy đa số mọi người vờ như không thấy những người vô gia cư. Trong khối phi lợi nhuận, hiện tượng tương tự là những nhà tài trợ và quỹ tài trợ tránh gặp các tổ chức phi lợi nhuận. Nó tạo ra những “khoảng cách an toàn”, ngăn cản các tổ chức làm dự án trao đổi thông tin và và hợp tác với những người tài trợ cho dự án.
• Mong đợi sự mang ơn: Mỗi lần tôi đưa ra một góp ý nào đó về những yêu cầu tài trợ mất thời gian, kém hiệu quả – ví dụ như yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị ký tên lên đơn đề nghị tài trợ (Tại sao? Để làm gì?) – thì y như rằng sẽ có những người phản bác lại với những lý lẽ như, “Người ta đóng góp cho anh tiền mồ hôi nước mắt của người ta, vậy mà anh còn than vãn? Đáng lẽ anh phải thấy biết ơn và sẵn sàng làm theo yêu cầu.” Lý lẽ này giống như là yêu cầu người nghèo phải biết vui vẻ chấp nhận và biết ơn với bất kỳ sự bố thí nào. Dĩ nhiên ý tôi không phải là chúng ta không cần biết ơn hay trân trọng, nhưng sự trân trọng này không nên chỉ đến từ một phía, và nó không có nghĩa là người nhận chỉ có thể nhận mà không có quyền góp ý.
Một lần nữa, tôi tin là đa số mọi người không muốn làm cho công việc của các tổ chức phi lợi nhuận trở nên khó khăn. Nhưng sự thiếu tin tưởng, suy nghĩ độc đoán và đôi khi thái độ xem thường dành cho các tổ chức phi lợi nhuận cũng chẳng giúp công việc chúng tôi dễ dàng hơn. Vâng, dĩ nhiên là có một số tổ chức phi lợi nhuận tồi tệ, vô trách nhiệm, lãng phí tiền bạc. Cũng giống như việc có một số người nghèo tìm cách lợi dụng cái hệ thống được thiết kế để giúp họ. Tuy nhiên những người này chỉ là thiểu số, trong khi chúng ta đang vơ đũa cả nắm và nghi ngờ tất cả mọi người. Đa số tổ chức đều đang cố gắng hết sức để phục vụ cộng đồng tốt hơn, vì ai cũng hiểu sự cấp thiết của công việc mình làm.
Chẳng ai khi bước vào công việc này nghĩ rằng nó sẽ dễ dàng cả. Nó đầy những câu chuyện khiến tim ta thắt lại, đầy những ngày làm việc tới khuya ở văn phòng, đầy những quyết định khó khăn, và đầy nỗi áy náy vì mình chưa làm được nhiều cho những đồng bào đang chịu nhiều nỗi bất công trong xã hội.
Và trong khi phải đối diện với sự nghiêm trọng của những vấn đề chúng tôi muốn giải quyết, thì việc phải bỏ ra hàng giờ để tính xem nhà tài trợ nào trả cho tiền mua thức ăn cho trẻ, nhà tài trợ nào trả tiền văn phòng phẩm, rồi nặn ra những câu trả lời công phu về dự định “tự chủ tài chính”, rồi nhặt nhạnh chút này chút kia của các khoản tài trợ để đủ tiền trang trải qua hết vòng dự án, nếu không thì phải giải thích, bảo vệ cho quyết định của mình – những việc này thật sự rất vô ích, tốn hơn một nửa thời gian làm việc của chúng tôi và khiến chúng tôi không thể tập trung vào những việc thật sự có ích cho cộng đồng.
Đôi khi những điều này trở nên quá mức chịu đựng và khiến chúng tôi mất đi những người giỏi – những người chúng tôi cần ở lại để tiếp tục công việc trong ngành phi lợi nhuận này.
Rất nhiều những quy tắc về cấp quỹ tài trợ và báo cáo tồn tại bởi vì những tổ chức phi lợi nhuận không được tin tưởng, cũng giống như việc chúng ta không tin tưởng những người có thu nhập thấp. Những nghi ngờ không cơ sở này gây ra rất nhiều phiền hà cho cả người nghèo và tổ chức phi lợi nhuận. Chúng ta cần bắt đầu với niềm tin vào họ, nếu không tất cả mọi người đều sẽ gánh tổn thất. Chúng ta cần dừng việc đối xử với những người thu nhập thấp theo cách mà nhiều người đang làm.
Và nếu chúng ta có ý định giải quyết những vấn đề chồng chất, phức tạp của xã hội một cách hiệu quả thì cách nhìn của chúng ta đối với các tổ chức phi lợi nhuận cũng cần thay đổi. Mối quan hệ giữa quỹ tài trợ, nhà hảo tâm, tổ chức phi lợi nhuận, công ty vì lợi nhuận, các kênh truyền thông, và chính quyền phải thay đổi. Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau như những đối tác ngang hàng đang thực hiện những phần việc khác nhau nhưng bù đắp cho nhau.
Chúng ta phải hiểu nguồn gốc của những yêu cầu mà chúng ta đang sử dụng và nó ảnh hưởng những đối tác của chúng ta như thế nào, làm mọi chuyện tốt hơn hay tệ đi. Chúng ta phải trao đổi với nhau những góp ý trung thực và thúc đẩy nhau làm tốt hơn nữa, vì cộng đồng.
Hãy biến điều đó thành hiện thực; hãy ngừng đối xử với những tổ chức phi lợi nhuận theo cách xã hội đang đối xử với người nghèo. Còn nếu bây giờ chưa thể làm được việc đó, thì hãy thử ngừng đối xử với người nghèo theo cách chúng ta đang đối xử với những tổ chức phi lợi nhuận.