Đây là câu hỏi bà Nuala O’Bien, Trưởng phòng Phát Triển của Đại sứ quán Ireland tại Hà Nội, đưa ra trong buổi Cà phê sáng Phi lợi nhuận tháng 3 do Trung tâm LIN tổ chức vào ngày 31/03/2016 xoay quanh chủ đề thực hiện dự án phát triển cộng đồng của tổ chức PLN trong thực tế.
Trong buổi trò chuyện này, bà Nuala đưa ra kịch bản giải quyết vấn đề từ hai tổ chức khác nhau trong mục tiêu giảm bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng 5000 người.
- Tổ chức A: thực hiện dự án theo cách thức chủ động liên lạc với chính quyền để xác định vấn đề của địa phương. Và tập trung xây dựng 500 nhà vệ sinh trong 6 tháng.
- Tổ chức B: chọn cách hỏi ý kiến người dân về nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm tại địa phương, thuyết phục người dân cùng tham gia góp sức xây dựng nhà vệ sinh và tập huấn cho người dân về cách giải quyết vấn đề. Cho đến khi nhóm I đã đạt được mục tiêu hoàn tất thì nhóm II chỉ vừa đạt được thỏa thuận cùng hợp tác giữa người dân và chính quyền địa phương.
Power point chi tiết hai ví dụ phân tích
Với sự gợi ý của bà Nuala O’Bien, người tham gia lần lượt so sánh tiến trình hoạt động của hai dự án và đặt mình vào ba vị trí sau để chia sẻ kinh nghiệm thực tế:
Chúng ta có đủ kiên nhẫn để lắng nghe người dân?
Nếu bạn là chính quyền địa phương, bạn có muốn làm việc với một tổ chức suốt ngày làm việc với cộng đồng, trong khi bạn là người đã hiểu rõ nhu cầu của địa phương. Ngược lại, A là tổ chức đã làm việc với chính quyền địa phương, giải thích rõ dự án như thế nào?
Ở đây, người nào thực sự có vấn đề cần phải giải quyết? Là người dân hay chính quyền địa phương? Trên thực tế có những nhà chính quyền địa phương bảo với chúng ta vấn đề của chúng ta là cái gì. Bạn cảm thấy thế nào nếu một ai đó nói cho bạn biết vấn đề của bạn là gì?
Ông Phạm Thanh Vân, đại diện Mạng lưới Tình thân cho biết: “Trong thực tế thì 2 vấn đề này phải đi song song, anh phải xác định đúng nhu cầu cộng đồng, lôi kéo cộng đồng ủng hộ mình, nhưng cũng phải tác động đến chính quyền để hỗ trợ mình.”
Tuy nhiên, câu hỏi này đặt ra thử thách với ngay cả những người làm trong công tác phát triển cộng đồng là chúng ta có đủ kiên nhẫn để nói chuyện với người dân không? Nhất là trong hoàn cảnh sức ép về thời gian thực hiện dự án.
Bà Nuala O’Bien cho biết đây không chỉ là thử thách ở Việt Nam mà có rất nhiều trên toàn thế giới về quyền được nói lên nhu cầu của chúng ta. Ngay ở Ireland cũng có nhiều ví dụ công trình công cộng được xây ở những vị trí không phù hợp, rất nhiều ví dụ mà dự án của chính phủ không thành công vì không nói chuyện với người dân. Hiện nay cũng có những cuộc biểu tình trên đường phố ở Ireland vì chính quyền không có những biện pháp tốt trong dự án về nước công cộng. Điều này đến từ việc chính quyền làm dự án mà không tham vấn người dân.
Bà Nuala O’Bien, đại diện Đại sứ quán Ireland dẫn dắt cuộc trò chuyện
Đó là góc độ của người làm dự án, nhưng nếu bạn là một thành viên trong cộng đồng, bạn sẽ thích tổ chức nào hơn? Tổ chức A chỉ mất có 4 tháng mà đã xây dựng xong 150 nhà vệ sinh. Trong khi tổ chức B chỉ mới đạt được thỏa thuận với người dân trong cùng khoảng thời gian đó.
Ban đầu người dân có thể vui, nhưng sau thời gian thì sẽ phát hiện ra tổ chức A chỉ làm dự án ở bề nổi và tổ chức B lại tập trung vào kết quả lâu dài. Với tổ chức A, người dân không cảm thấy mình có đóng vai trò gì trong dự án. Trong khi đó, tổ chức B có thể tham vấn với cộng đồng để tìm ra những mẫu thiết kế phù hợp và thực tế hơn, vận động nguồn lực từ địa phương.
Vấn đề ở đây là quy trình làm việc một cách chuyên nghiệp trong phát triển cộng đồng, làm sao cho mọi vấn đề đều có sự tham gia của người dân, đều phải có sự đồng thuận của người dân, đó là hướng phát triển bền vững.
Nếu chọn cách hỏi ý kiến người dân, bạn hãy thử quan sát tổ chức B. Tại sao họ lại nói chuyện với nhiều nhóm khác nhau: phụ nữ, nam giới, người già, người trẻ… một cách riêng biệt? Điều này rõ ràng lấy mất nhiều thời gian của họ.
Chúng ta cần tách ra thảo luận từng nhóm riêng vì mỗi nhóm có một nhu cầu khác nhau nhưng một số nhóm có thể không cảm thấy thoải mái khi bày tỏ chung với một số nhóm khác (VD: trẻ em không muốn nói khi có người lớn ở cạnh, phụ nữ không nói nhu cầu của mình trước đàn ông…).
Kinh nghiệm làm việc với chính quyền địa phương
Thực tế, các tổ chức phi lợi nhuận thường rất khó để thuyết phục chính quyền địa phương cùng hợp tác tham gia giải quyết vấn đề theo hướng bền vững.
Bạn sẽ làm gì nếu bạn là tổ chức B và chính quyền địa phương lại thích làm việc theo hướng của tổ chức A vì họ làm nhanh hơn, ra sản phẩm đúng thời hạn?
Chúng ta nên nhìn chính quyền địa phương là một bên tham gia trong dự án để họp như là các nhóm cộng đồng (già trẻ trai gái), chúng ta cũng tôn trọng họ, ngồi lại với họ thì sẽ được tìm được sự đồng cảm hơn. Nếu ta chỉ tham vấn người dân thôi thì họ cũng không thoải mái, chính quyền cũng muốn được hỏi ý kiến, về mặt cảm xúc họ sẽ thấy thoải mái vui vẻ hơn.
Trong thực tế, rất nhiều trường hợp khi chính quyền địa phương thấy không có lợi ích gì trong dự án thì họ sẽ không ủng hộ. Điều chúng ta cần hiểu là chính quyền địa phương cũng có những mục tiêu chính trị, kinh tế. Vì vậy trước khi xây dựng dự án, có thể chúng ta tìm hiểu kế hoạch phát triển địa phương đó trong 5-10 năm tới và giới thiệu các giải pháp phù hợp. Điều này cũng tránh được sự chồng chéo và gia tăng nguồn lực giải quyết vấn đề chung.
Quan điểm từ nhà tài trợ
Với tổ chức phi lợi nhuận thì uy tín và trách nhiệm với nhà tài trợ hay trách nhiệm với cộng đồng quan trọng hơn? Có khi nào để làm nhà tài trợ vui, mà mình quên đi việc phải minh bạch với người hưởng lợi không?
Theo quy tắc của phát triển cộng đồng, thì cần minh bạch với đối tượng hưởng lợi. Nhưng trong thực tế, một số đối tượng họ không cần quan tâm đến việc biết hay tham gia dự án. Trong khi đó, tổ chức PLN phải đối mặt với áp lực từ nhà tài trợ gần như hằng ngày. Và việc phải cân bằng giữa việc có trách nhiệm với nhà tài trợ mà vẫn đảm bảo người hưởng lợi có được lợi ích tốt nhất là điều stress nhất đối với người làm dự án.
Với đối tượng hưởng lợi, kết quả dự án chính là quyền lợi của họ, nên nếu mình không thuyết phục được họ tham gia vào dự án thì cần xem lại dự án của mình.
Đối với nhà tài trợ, có thể tạm chia thành hai nhóm: một là những nhà tài trợ chuyên nghiệp, họ hiểu tầm quan trọng của việc tham gia của cộng đồng vào dự án. Hai là những nhà tài trợ chỉ muốn thấy kết quả ngay. Tùy vào mục tiêu dự án mà tổ chức PLN nên chọn nhóm nhà tài trợ phù hợp, tổ chức phải có những quy định và quy chế đối với nhà tài trợ.
Điều cần thiết là tổ chức PLN phải cung cấp các ví dụ cụ thể và giải thích để nhà tài trợ hiểu về sự hiệu quả của sự tham gia của người dân vào dự án. Điều này sẽ giúp nhà tài trợ thay đổi quan điểm chọn các dự án ngắn hạn, tức thời mà họ đang có. Trong một vài trường hợp, tổ chức đôi khi phải từ chối nhà tài trợ khi quan điểm tiếp cận vấn đề không phù hợp.
Ông Frédéric Ceuppens, đại diện Đại sứ quán Bỉ chia sẻ quan điểm của nhà tài trợ
Từ góc nhìn của nhà tài trợ, ông Frédéric Ceuppens, Bí thư thứ nhất về Hợp tác phát triển của Đại sứ quán Bỉ cho biết ông đã từng bị hai tổ chức từ chối hợp tác vì quy trình báo cáo dự án của nguồn quỹ từ Bỉ mất quá nhiều thời gian.
“Họ muốn dùng thời gian đó để làm việc trực tiếp với cộng đồng hơn và với việc báo cáo. Vì hai tổ chức này hoạt động quá ấn tượng nên chúng tôi đã quyết định điều chỉnh quy trình báo cáo để được làm việc với họ. Nhà tài trợ không cần tổ chức tiêu tiền mà cần tổ chức làm dự án hiệu quả, mang lại quyền lợi thực sự cho người hưởng lợi”, theo ông Frédéric Ceuppens.
Cũng là một nhà tài trợ, bà Nuala O’Bien bổ sung thêm: “Chúng tôi cũng có những áp lực phải báo cáo với cấp trên về số tiền tài trợ vào các dự án. Tuy nhiên, chúng tôi không cần một báo cáo đẹp mà cần biết số tiền mình tài trợ đã tạo ra những thay đổi cụ thể nào trong cộng đồng”.
Kêu gọi nộp đề xuất dự án vòng I.2016 Quỹ cộng đồng Rút ngắn Khoảng cách
Trong buổi cà phê sáng PLN lần này, LIN cũng chính thức kêu gọi các tổ chức PLN đối tác nộp đề xuất dự án cho vòng tài trợ I/2016 của Quỹ cộng đồng Rút ngắn Khoảng cách. Mời bạn xem chi tiết tại đây.