Hãy đối xử với tổ chức phi lợi nhuận như doanh nghiệp!

Dịch từ bài viết trên trang www.nonprofitwithballs.com với sự cho phép của tác giả
Tác giả: Vũ Lê, Giám đốc tổ chức Rainier Valley Corps
Chyển ngữ: Võ Đình Thi
Link đến bài viết gốc: Hey, you want nonprofits to act more like businesses? Then treat us like businesses

Bạn muốn các tổ chức phi lợi nhuận có tác phong như doanh nghiệp? Vậy hãy đối xử với chúng tôi như cách bạn đối xử với doanh nghiệp.

Tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều người đứng đầu các tổ chức phi lợi nhuận, những người tự hào với việc họ đang làm và cho rằng, “Doanh nghiệp phi lợi nhuận cũng là doanh nghiệp! Nhưng thay vì kinh doanh kiếm tiền cho các cổ đông, chúng tôi tạo ra giá trị cho cộng đồng!”

Nhưng gần đây, tôi bắt đầu băn khoăn về tác hại của việc giữ lối suy nghĩ này. Nghĩ theo một cách lý tưởng thì, vâng, chúng tôi cũng là doanh nghiệp, và nên nhận được sự tôn trọng như doanh nghiệp. Nhưng thực tế đáng phẫn nộ là chúng tôi đang bị đánh giá với tiêu chuẩn của doanh nghiệp trong khi không được trao quyền lợi và điều kiện để vận hành như một doanh nghiệp. Nếu những quỹ tài trợ, nhà hảo tâm và xã hội muốn chúng tôi giống như những doanh nghiệp thì cũng được thôi, nhưng chúng tôi sẽ cần những thứ sau:

• Những khoản đầu tư lớn: Có một ứng dụng dành cho điện thoại tên là Bitmoji để biến người ta thành những hình hoạt họa vừa kỳ cục vừa buồn cười. Bạn có biết Bitstrip, công ty phát triển ứng dụng này, được tài trợ 8 triệu đô la vào năm 2014 không? Đúng vậy, 8 triệu đô la. Từ MỘT nhà đầu tư. 8 triệu đô la cho một ứng dụng điện thoại. Để biến người thành hoạt hình! Trong khi đó, đa số chúng tôi, những tổ chức đang cố giúp những người yếu thế, người nghèo, vận động chính sách hay cứu lấy môi trường, chẳng bao giờ thấy được con số lớn như vậy. Tuần trước khi nhận được tin tổ chức mình được nhận khoảng tài trợ 25 ngàn đô, khoảng 3% ngân sách hoạt động, tôi đã lăn ra sàn bật khóc vì vui sướng. Thật buồn khi nghĩ đến những thứ mà rất nhiều những tổ chức trong số chúng tôi có thể làm với 8 triệu đô la.

• Ra quyết định tài trợ nhanh hơn: tôi không rành trung bình thì những ngân hàng hay quỹ đầu tư mất bao lâu để ra quyết định đầu tư, nhưng câu trả lời của một quỹ đầu tư là: “Cho một giao dịch hạng A thì cần 4-6 tuần từ lúc ký thỏa thuận đến lúc tiền vào ngân hàng. Thời gian này bao gồm đánh giá năng lực, phản biện của luật sư, … Nhưng cũng tùy công ty.” Bốn đến sáu tuần có lẽ không phải là trung bình. Thường thì chắc sẽ lâu hơn một chút. Nhưng chắc chắn vẫn không là gì so với khoảng thời gian mà những tổ chức phi lợi nhuận phải đợi cho kết quả đầu tư tài trợ, từ 3 tháng đến 12 tháng hoặc đến khi sao Mộc trùng với chòm sao Bò Cạp.

• Đừng mãi lưu luyến chi phí vận hành: Đâu đó vẫn có những thông tin khuyên người ta nên đóng góp tiền dựa vào tỷ lệ chi phí vận hành của các tổ chức. Tại sao chúng ta vẫn còn nói về những điều này? Chúng ta có quan tâm đến việc một công ty sản xuất đồ chơi chi bao nhiêu tiền cho điện và giấy photo khi mua một con ngựa đồ chơi hay không? Chúng ta có quan tâm bao nhiêu phần trăm của 1 đô-la đi vào túi của Giám đốc điều hành Bitstrip khi ta mua bộ ứng dụng của họ không? Nếu những doanh nghiệp vì lợi nhuận được quyền chi tiền cho quảng cáo – 99.9% số quảng cáo trên tivi và báo chí là về những thứ có lợi nhuận – thì tại sao những tổ chức phi lợi nhuận lại không được? Nếu những doanh nghiệp có thể có một chỗ làm việc tử tế và một mức lương cạnh tranh thì tại sao chúng tôi lại không nên? Một đồng nghiệp từng nói với tôi rằng những chuyên viên kỹ thuật được trả hàng trăm triệu mỗi năm để tham gia nhiều dự án, trong đó không ít là thất bại, trong khi nhiều người ở các tổ chức phi lợi nhuận chỉ được trả một phần nhỏ của số đó để làm những công việc mà ai cũng đồng ý là quan trọng với xã hội, vậy mà chúng tôi phải bảo vệ khoảng lương này mỗi ngày.

• Tập trung vào kết quả: có lần tôi nghĩ đến chuyện nghỉ việc hoặc thậm chí rời ngành khi bị ép phải bỏ ra 10 tiếng đồng hồ cố gắng hoàn thành bản báo cáo tài chính cho quỹ tài trợ yêu cầu liệt kê cụ thể là họ đã trả bao nhiêu phần cho từng mục. Nếu một doanh nghiệp đang làm ăn tốt trong khi vẫn đối xử công bằng với nhân viên và không làm hại môi trường thì có lý do gì để quan tâm đến việc doanh nghiệp đó sử dụng tiền như thế nào không? Tương tự như thế cho các tổ chức phi lợi nhuận. Muốn chúng tôi cư xử giống như doanh nghiệp? Vậy thì xã hội cũng nên chú tâm vào kết quả và ngưng việc kiểm soát chi li để chúng tôi có thể tập trung cho công việc.

• Vượt qua nỗi ám ảnh về tính bền vững: Bạn đã thấy ai vào cửa hàng của Apple và nói, “Bạn dự tính sẽ tiếp tục duy trì công việc kinh doanh của bạn như thế nào sau khi tôi mua chiếc iPhone này và không còn ở đây nữa?”.Nếu một sản phẩm có chất lượng tốt và bạn muốn công ty tiếp tục sản xuất và phát triển thiết kế mới thì bạn phải mua nó và giới thiệu nó với bạn bè. Đó là cách để doanh nghiệp bền vững, chấm hết. Điều tương tự cũng đúng với các tổ chức phi lợi nhuận. Nếu chương trình dịch vụ của họ hiệu quả, hãy hỗ trợ họ để họ có thể duy trì chúng. Chấm hết.

• Tăng tài trợ để đáp ứng kết quả: một trong những khác biệt lớn giữa 2 khối là đối với khối phi lợi nhuận, càng thành công trong việc tạo ra tác động, thì càng nhiều chi phí và trách nhiệm phát sinh trong khi nguồn tài trợ thì không tăng. Ví dụ một dự án giáo dục ngoài giờ được thực hiện tốt và số học sinh được hỗ trợ tăng gấp 3 lần, nhưng nguồn tài trợ/đóng góp mà dự án nhận được thì đâu tự động nhân 3. Đôi khi tổ chức đó còn phải khổ sở duy trì những nguồn thu hiện tại vì rất hiếm nhà tài trợ cấp tài trợ trong nhiều năm liên tiếp. Nếu bạn muốn chúng tôi cư xử như những doanh nghiệp thì hãy chuẩn bị sẵn sàng để tăng mức đầu tư khi kết quả và yêu cầu tăng lên.

• Chấp nhận rủi ro và thất bại: vì lý do nào đó, mọi người chấp nhận việc đầu tư hàng triệu đô-la vào Google Glass, hay điện thoại Amazon, hay những phi vụ mua lại những công ty nhỏ, để rồi chúng kết thúc trong thất bại, thiệt hại cả núi tiền, và giải thích rằng đây là một phần tất yếu của việc kinh doanh. Trong khi đó, xã hội lại chỉ dành những khoản nhỏ hơn nhiều để giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp, đợi phép màu xảy ra, và thất vọng khi chúng ta không đạt được kết quả. Sẽ cần thời gian, sự đầu tư đáng kể về nguồn lực và sự chấp nhận thất bại nếu chúng ta muốn có bất kỳ hy vọng nào trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng như đói nghèo hay buôn người.

Nói đến thất bại, khoảng một nửa số doanh nghiệp mới phá sản sau 4 năm. Một số ước tính đưa ra con số cao đến 80% thất bại sau 18 tháng. (Và “thiếu năng lực” là nguyên nhân của 46% các trường hợp.)

Với tất cả những thống kê về doanh nghiệp này, và những giới hạn áp đặt cho các tổ chức phi lợi nhuận, có nên tiếp tục nói rằng tổ chức phi lợi nhuận là doanh nghiệp, hầu như giống hệt công ty vì lợi nhuận, chỉ khác một chút? Tổ chức phi lợi nhuận có cần phải cạnh tranh với những công ty vì lợi nhuận theo những tiêu chuẩn của họ không trong khi chúng tôi quá khác biệt? Tôi sẵn sàng đón nhận những ý kiến không đồng tình, tuy nhiên hiện giờ tôi không thấy ưu điểm nào của sự so sánh này cả.

Nếu muốn được xem là giống những công ty vì lợi nhuận, và được đối xử với sự thái độ tương đồng thì các tổ chức phi lợi nhuận phải đấu tranh cho những nhu cầu trên. Xã hội cần cung cấp cho các tổ chức phi lợi nhuận mức độ đầu tư, thời gian ra quyết định đầu tư tương đương, sự linh hoạt, sự tự quản, sự chấp nhận rủi ro hay thất bại tương đương với các công ty. Nếu không thì hãy dừng việc yêu cầu những tổ chức phi lợi nhuận chúng tôi học theo những công ty vì lợi nhuận. Bạn không thể vừa có ‘miếng bánh’ phi lợi nhuận vừa còn ‘lớp kem’ vì lợi nhuận được. Hoặc chúng tôi là một doanh nghiệp thực thụ, với đầy đủ những quyền đi kèm, hoặc chúng tôi là những tổ chức làm về bình đẳng và công lý và cần những tiêu chuẩn đánh giá khác.

Cho đến khi chúng ta giải quyết vấn đề này, cho đến khi những ưu tiên của xã hội thay đổi để 8 triệu đô-la có thể được dành để đầu tư cải thiện hệ thống bảo trợ trẻ em hay giúp đỡ người yếu thế trước khi ta đầu tư nó cho một ứng dụng điện thoại biến người thành hình hoạt họa, thì khi đó những tổ chức phi lợi nhuận như chúng tôi sẽ có thể giải quyết những vấn đề xã hội.

Related Posts