Lội Ngược Dòng Để “Rút Ngắn Khoảng Cách” – Câu chuyện của Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu

Hành trình đưa một dự án cộng đồng địa phương từ ý tưởng đến hiện thực là một quãng đường dài hơi và thách thức. Khoảng cách khác biệt giữa mong muốn, kế hoạch và hiện thực cũng được tạo ra từ những trở ngại về tài chính, thói quen canh tác, sức người, thổ nhưỡng, thời tiết,… Để mỗi cộng đồng thực hiện thành công dự án của họ và vì họ, việc hiểu về những khoảng cách đó để có hướng tiếp cận phù hợp khi kết nối với cộng đồng là yếu tố quan trọng để cùng hướng tới một dự án thành công bền vững. 

Từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm LIN đã xác định rõ hướng đi của mình trong việc kết nối các cộng đồng là nhằm giải quyết nhu cầu địa phương tận dụng các nguồn lực địa phương. Từ đó, LIN không ngừng nỗ lực củng cố hệ sinh thái thiện nguyện dựa vào cộng đồng để đóng góp cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Câu chuyện của dự án Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu trong Quỹ Cộng đồng Rút Ngắn Khoảng Cách 2021 là một câu chuyện của sự can đảm lội ngược dòng để tìm đến mô hình canh tác hữu cơ của 11 hộ dân cộng đồng Churu tại thôn Ma Đanh – xã Tu Tra – huyện Đơn Dương – tỉnh Lâm Đồng. 

Hãy cùng LIN dõi theo câu chuyện đầy cảm hứng của Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu và khám phá sức mạnh của những nút giao – những kết nối có thể làm được gì, bạn nhé! 

Sự gắn bó với đất mẹ của người dân Churu 

Người Churu là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam, chủ yếu sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng. Người Chu Ru sống định cư, định canh trên cơ sở một truyền thống nông nghiệp từ lâu đời. Từ xa xưa cộng đồng người Churu sống với tinh thần yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau sinh sống trong một buôn làng và canh tác nông nghiệp. Cha ông người Churu sống hòa hợp với thiên nhiên, trên mảnh đất của luôn có đủ các loại rau củ quả bản địa giàu dinh dưỡng để cung cấp cho gia đình, chia sẻ với mọi người xung quanh. Họ trồng rau chỉ bón phân chuồng, đất đai tơi xốp màu mỡ nên đã làm ra rau củ quả xanh mơn mởn.

“Chính đất mẹ đã nuôi sống cha ông chúng tôi như dòng sữa mẹ nuôi sống con cái” – Trưởng nhóm Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu chia sẻ với LIN. 

Những mặt trái của mô hình canh tác độc canh trong đời sống hiện đại 

Nông nghiệp hiện đại tuy mang đến nhiều năng suất cho việc canh tác nhưng đi kèm đó cũng là những hậu quả về sức khỏe, và môi trường của việc lạm dụng các sản phẩm phân bón hóa học, hóa chất. Khi bước vào cuộc sống hiện đại, canh tác độc canh chạy theo năng suất khiến người dân đầu tư quá nhiều cho giống mới, thuốc diệt cỏ, phân thuốc hóa học và những loại hóa chất diệt trừ sâu bọ. Vì chạy theo xu hướng thị trường nên sản phẩm của người dân Churu được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, có những mùa phải bỏ không cả vụ rau màu đã đến ngày thu hoạch, và các hộ làm nông rơi vào vòng luẩn quẩn là vay nợ mua thuốc – thu hoạch trả nợ – vay nợ mua thuốc cho mùa vụ tiếp theo

Việc sử dụng phân thuốc hóa học đặc biệt là thuốc diệt cỏ một cách tràn lan và không hợp lý cũng dẫn đến việc đất đai canh tác ngày càng chai cứng, nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường thay đổi theo hướng đi xuống. 

Sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng cũng bị đe dọa nghiêm trọng do việc tiếp xúc và ăn những nông sản bị nhiễm độc chất hóa học. 

Quỹ thời gian dành cho việc qua chơi, thăm hỏi, giúp đỡ hàng xóm láng giềng và làm những công việc khác cũng bị thu hẹp vì người dân phải chạy theo công việc để trả nợ cho những đại lý phân thuốc, những con buôn đầu tư. 


Đứng trước guồng quay “làm- đầu tư- nợ”, một quyết định táo bạo đã được một nhóm người dân Churu đưa ra. Bỏ lại hình thức canh tác độc canh tốn kém, gây hại đến cả đất đai lẫn sức khỏe con người, người dân Churu quyết định chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ. Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu (IEM GÕH trong Tiếng Churu là “rau sạch”) được thành lập, gồm 11 hộ người dân tộc Churu canh tác rau hữu cơ tại Ma Đanh – Tu Tra – Đơn Dương – Lâm Đồng đang canh tác với diện tích hơn 7,000 m2

Với phương thức canh tác không sử dụng chất hóa học, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (giống, phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp, chế phẩm tự chế,…), canh tác xen canh, đa canh để tạo sự cân bằng sinh thái. Dự án hướng đến sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc đảm bảo sức khỏe cho con người, cho đất, cho hệ sinh thái. 

Những khó khăn khi chuyển đổi mô hình

Khi chấp nhận lội ngược dòng để phát triển canh tác rau hữu cơ giữa một khu vực sản xuất độc canh, nhóm gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi, truyền cảm hứng, thuyết phục và giữ chân các hộ dân trong cộng đồng. Khi đi theo hướng canh tác này, người nông dân gặp nhiều khó khăn do không quen canh tác thuận tự nhiên, năng suất thấp hơn hướng canh tác hoá học, sản lượng không ổn định cho phụ thuộc thời tiết.

Ngoài ra, những vấn đề như sâu hại, đất không đủ dinh dưỡng do quá trình canh tác hoá học trước đây, nguồn thu mua sản phẩm đầu ra,… cũng gây không ít khó khăn cho bà con. Việc tìm kiếm thị trường đặc thù cho sản phẩm hữu cơ và bán hàng cũng là một thách thức của nhóm. Đây cũng là những lý do khiến nhiều người đang theo đuổi lại bỏ cuộc giữa chừng và quay lại với hình thức canh tác độc canh, sử dụng phân thuốc hóa học.

Trên thực tế, thị hiếu của khách hàng ăn rau hữu cơ và những khách hàng thông thường khác cũng có điểm tương đồng là muốn rau phải đẹp, củ phải mướt. Do đó số rau củ quả tuy đạt chuẩn chất lượng dinh dưỡng nhưng không đẹp về mẫu mã thì cũng không bán được cho khách. Mặt khác, có vài sản phẩm thuận mùa trong năm, năng suất cao khiến hàng bị tồn đọng không bán hết. Số lượng bán được chỉ đủ để chi phí đầu vào và công làm. Phần sản phẩm bỏ đi chính là lợi nhuận của bà con nên hiện tại bà con chỉ lấy công làm lời mà chưa có lợi nhuận. Thực trạng đó diễn ra làm cho thu nhập của bà con vào một số thời điểm bị bấp bênh. 


Trước những tình cảnh trên, cộng đồng Churu không khỏi tiếc nuối công sức đã bỏ ra và trăn trở làm thế nào để khắc phục được tình trạng khó khăn, bấp bênh này. Giải pháp được nhóm thống nhất đưa ra là đầu tư vào một chiếc máy sấy rau củ quả hữu cơ để xử lý lượng hàng bị tồn đọng do mẫu mã không đẹp hoặc không bán được. Đây là một giải pháp thiết thực bởi lẽ, mặt hàng rau củ quả sấy có giá trị kinh tế cao hơn và dễ bảo quản hơn hàng tươi sống. Đồng thời, việc có thêm sản phẩm khác đến từ chính mảnh vườn rau củ hữu cơ cũng giúp nhóm giảm áp lực việc phải bán nhanh loại hành tươi sống, không dự trữ được. 

Thông qua những kết nối với các tổ chức địa phương, Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu đã biết đến sự hiện diện của LIN và Quỹ Cộng đồng Rút Ngắn Khoảng Cách năm 2021. Trong giai đoạn đăng ký hồ sơ, nhóm đã được đội ngũ chuyên môn kỹ thuật hỗ trợ viết đề xuất dự án. Nhận thấy tính chất cấp thiết của đề xuất dự án, Hội đồng xét duyệt của Quỹ Cộng đồng Rút Ngắn Khoảng Cách 2021 đã đề cử Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu là một trong những dự án tốt. Từ đó, LIN đã kết nối Tổ hợp tác với nhà tài trợ bên ngoài để mang đến nguồn lực cần thiết, hỗ trợ nhóm mua máy sấy, xây dựng nhà xưởng, và tiếp tục phát triển dự án của mình. 

Ước tính sấy 400 – 500kg rau của quả tươi bị tồn đọng trong tháng sẽ giúp thu nhập của bà con tăng thêm từ 30-40%. Từ đó, thu nhập ổn định hơn, nhóm yên tâm sản xuất và mở rộng thêm diện tích canh tác cũng như lan tỏa thêm cho các hộ khác. Ngoài ra, mặt hàng rau củ sấy khô quanh năm cũng là sản phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và giải quyết được nhu cầu sử dụng những loại củ quả trái mùa của khách hàng. 

Những sản phẩm của Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu là những loại rau củ quả ôn đới và nhiệt đới không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn được nuôi dưỡng từ tình yêu môi trường, yêu thiên nhiên, yêu đất mẹ. 

Về Quỹ Cộng đồng Rút Ngắn Khoảng Cách 

Rút Ngắn Khoảng Cách được phát triển dựa trên tiền đề “Thiện nguyện dựa vào cộng đồng” với niềm tin rằng mọi cộng đồng đều có tài sản của riêng họ (tiền bạc, kỹ năng, kiến thức, mạng lưới,…), và khi những tài sản này được tập hợp lại, chúng xây dựng nên sức mạnh và tiếng nói cộng đồng.

Năm 2022, Quỹ Cộng đồng Rút Ngắn Khoảng Cách được triển khai với thông điệp “Tạo nút giao – Nhân ảnh hưởng”. Nút giao là nơi kết nối của những điều khác biệt, là điểm gặp gỡ của các mối quan hệ mới, giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác và giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác. Mỗi cá nhân đều có những nút giao của riêng mình mà tại đó, các bạn có thể mở ra những bước ngoặt của cuộc sống và tạo tác động đến các cá nhân khác và cả xã hội. Ý thức được sức ảnh hưởng mà mình có được, mỗi người sẽ tạo ra những nút giao ý nghĩa bằng cách học hỏi, tìm hiểu, chia sẻ hay tham gia những hoạt động thiện nguyện.

Đối với LIN, nút giao chính là nhân tố quan trọng cho công cuộc xây dựng một hệ sinh thái thiện nguyện dựa vào cộng đồng và chương trình Rút Ngắn Khoảng Cách chính là nỗ lực lớn để tạo nên những nút giao đó giữa công chúng, doanh nghiệp và cộng đồng Phi lợi nhuận.

Chính vì vậy, LIN rất vui mừng khởi động Quỹ cộng đồng Rút Ngắn Khoảng Cách năm 2022 với thông điệp “Tạo nút giao, nhân ảnh hưởng” với tổng nguồn quỹ lên đến 900 triệu VNĐ.

LIN mong chờ được đồng hành cùng các dự án cộng đồng và tạo thêm nhiều nút giao, nhân lên nhiều ảnh hưởng như cách Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM GÕH Churu đã “rút ngắn khoảng cách” trên hành trình giữ vững mô hình canh tác hữu cơ! 

Related Posts