Philanthropy – một khái niệm trong tương lai xa của doanh nghiệp địa phương

Ngày 10 tháng 6 năm 2014, Trung tâm LIN được mời tham dự, trình bày tại diễn đàn “Thúc đẩy hỗ trợ từ thiện của các doanh nghiệp Việt Nam” do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) và Câu lạc bộ doanh nhân TP.HCM (SIYB) tổ chức.

Tham dự diễn đàn, hai tổ chức phi lợi nhuận – LIN, CED – và các đại diện cao cấp tại các doanh nghiệp Việt Nam đã cùng chia sẻ và thảo luận về khái niệm philanthropy (tạm dịch là từ thiện chiến lược) trong doanh nghiệp và những vấn đề liên quan.

Từ thiện tại Việt Nam không phải dễ

Các doanh nhân tham gia diễn đàn đã chia sẻ nhiều hoạt động từ thiện có ý nghĩa của xuất phát từ “tâm” hướng về cộng đồng mà họ đã thực hiện. Tuy nhiên, có thể nhận thấy toàn bộ các doanh nghiệp này đang “làm từ thiện” chứ chưa phải “philanthropy”. Quá trình làm từ thiện của các doanh nghiệp cũng vấp phải nhiều khó khăn như:

  • Khó khăn khi vận động tài trợ đơn lẻ cho các hoạt động cứu trợ so với vận động trong hội doanh nhân.
  • Chính quyền địa phương gây khó dễ hoặc đòi quyền tự quyết đối với các khoản tài trợ.
  • Nguồn chi phí trích ra cho những buổi tiệc chiêu đãi sau mỗi đợt ủng hộ có thể đóng góp được nhiều hỗ trợ quan trọng cho người dân.
  • Tình trạng có địa phương nhận quá nhiều quà từ thiện nhưng có địa phương không nhận được gì.

Doanh nhân làm từ thiện và từ thiện doanh nghiệp

Một nữ doanh nhân chia sẻ về việc cô quyết định tài trợ cho địa phương mình ở và nơi công ty đặt văn phòng: “Tôi làm từ tâm nên cũng không cần nêu danh tính hay quan tâm gì đến việc vinh danh cả”. Trong trường hợp này, quyết định hoạt động từ thiện mang nặng tính cá nhân hơn doanh nghiệp, mặc dù sản phẩm từ thiện có thể là từ doanh nghiệp. Còn khái niệm từ thiện doanh nghiệp được doanh nhân hiểu là hình thức PR, marketing cho thương hiệu chứ không phải từ thiện “đúng nghĩa”.

Trung tâm LIN ngoài khuyến khích việc doanh nghiệp đóng góp dịch vụ và kỹ năng, còn khuyến khích doanh nghiệp cho nhân viên tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Những hình thức này hoàn toàn mới lạ với các doanh nghiệp tham gia diễn đàn.

Đồng tiền của tôi đi đâu?

Hầu hết doanh nhân đã chia sẻ việc họ không nhận được bất cứ báo cáo hay thông tin gì sau khi làm từ thiện. Do đó “việc minh bạch trong vấn đề từ thiện” vẫn là một ẩn số lớn. Vì vậy, doanh nhân có khuynh hướng cho tiền/quà trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng hay cho những tổ chức mà được giới thiệu bởi người họ tin tưởng. Riêng hình thức góp ngân sách hay hợp lực để hỗ trợ một hay nhiều tổ chức phi lợi nhuận (NPO) với dự án lâu dài (có mục tiêu và kết quả rõ ràng) và NPO đó có nhiệm vụ báo cáo lại cho nhà tài trợ vẫn là một mô hình hoàn toàn mới mà các doanh nhân chưa có thông tin đầy đủ, chưa hiểu hay chưa quan tâm.

Từ thiện là công bằng không phải xin cho

Qua diễn đàn này, chúng tôi vẫn nhận thấy một cơ chế xin-cho rõ ràng trong các phát biểu – chia sẻ về việc làm từ thiện của doanh nhân. Với việc nhận thức này, các NPO luôn gặp khó khăn trong việc kêu gọi đóng góp từ doanh nhân, doanh ngiệp đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề cộng đồng lâu dài mà tác động của nó khó thấy được trước mắt.

Bài viết này xin được kết thúc với câu hỏi thường gặp của bà Dana Đoàn, Cố vấn chiến lược của LIN “Tại sao tôi rất khó giải thích với doanh nghiệp địa phương trong việc hỗ trợ địa điểm tổ chức sự kiện hay kêu gọi sự đóng góp ngân sách cho Quỹ Rút Ngắn Khoảng Cách”. Một phần câu trả lời đã được dẫn chứng sinh động qua chia sẻ của diễn đàn này.

Related Posts