Sự vô hình của người khuyết tật trong xã hội – 5 điều nổi bật từ buổi trò chuyện giữa chị Thái Vân Linh và anh Nguyễn Văn Cử, Phó Giám Đốc, DRD Vietnam. 

Tập 5 đã chính thức khép lại hành trình đầu tiên của Talkshow “Thiện nguyện và Những câu chuyện” mùa đầu tiên. Với phương châm Đời Rất Đẹp, anh Nguyễn Văn Cử đã mang đến những câu chuyện đời vô cùng ý nghĩa về một cộng đồng dù gặp nhiều thử thách nhưng vẫn luôn lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống. Cùng You Impact điểm qua những điểm sáng trong tập cuối cùng này nhé. 

1. Ảnh hưởng của sự hạn chế tiếp cận những cơ sở, công trình công cộng và nơi làm việc đến cuộc sống của Người Khuyết Tật

Đầu tiên, công trình công cộng và nơi làm việc không tiếp cận ảnh hưởng rất lớn đến sự hòa nhập của người khuyết tật. Tiếp cận là cánh cửa mở ra cơ hội cho người khuyết tật từ việc đi học, đi làm hoặc là tham gia vui chơi giải trí, các hoạt động xã hội khác. Nếu các công trình công cộng không được tiếp cận sẽ cản trở người khuyết tật tham gia các hoạt động khác nhau của xã hội, khiến họ trở nên vô hình trong cuộc sống hàng ngày. 

Bên cạnh đó, nơi làm việc không tiếp cận tạo ra rào cản khiến người khuyết tật không có cơ hội để đi làm, cống hiến, đóng góp sự phát triển bản thân. Dẫn đến hệ quả là người khuyết tật cảm thấy sống phụ thuộc vào gia đình và trở thành gánh nặng xã hội.

2. Những giải pháp DRD đang triển khai để gỡ bỏ những rào cản tiếp cận đối với những công trình công cộng, nơi làm việc và nhà ở, nhằm giúp môi trường trở nên thân thiện hơn với Người Khuyết Tật

Để có thể góp phần phá bỏ được rào cản liên quan đến công trình công cộng, đầu tiên chúng ta phải tác động liên quan đến vấn đề nhận thức, bao gồm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những lợi ích, tầm quan trọng của tiếp cận công trình công cộng và quyền được tiếp cận các công trình công cộng của người khuyết tật. Thực tế thì công trình công cộng được tiếp cận không chỉ dành cho riêng cho người khuyết tật mà còn tạo sự thuận tiện cho các đối tượng khác như: những người lớn tuổi, những người mẹ mang thai, người mẹ mà đẩy xe nôi cho con.

Thứ hai là có sự theo dõi giám sát từ chính tổ chức của người khuyết tật để đảm bảo rằng là các công trình này được xây dựng đúng các quy chuẩn xây dựng do của Bộ Xây dựng.

Và cuối cùng là cần có luật pháp, chế tài nhằm đảm bảo các chính sách được các bên thực thi đúng như luật quy định. 

Để gỡ bỏ những rào cản chung này, DRD đang phát triển ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ cho người khuyết tật  mang tên D.Map –  bản đồ tiếp cận. D.Map, viết tắt của Disability Map, là bản đồ hướng đến việc giúp người khuyết tật tìm kiếm các công trình công cộng tiếp cận. Hạng mục tiếp cận mà D.Map hướng tới trong số đó là công trình công cộng, thuộc nhiều loại điểm đến khác nhau: từ quán ăn, nơi mua sắm, điểm giải trí đến công trình tôn giáo. Ứng dụng bản đồ tiếp cận D.Map cung cấp thông tin góp phần giúp cộng đồng ý thức về nhu cầu tiếp cận công trình công cộng  của người khuyết tật.

Đồng thời DRD cũng thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông nhằm phá bỏ các rào cản và nâng cao nhận thức cộng đồng, trong đó cả việc hỗ trợ tư vấn các bên xây dựng các dự án, cơ sở hạ tầng tiếp cận cho mọi người, đặc biệt hướng đến các công trình công cộng đã được xây dựng nhưng chưa tiếp cận và thúc đẩy những công trình mới xây dựng đảm bảo 100% tiếp cận cho người khuyết tật.

D.Map hiện có phiên bản song ngữ Việt – Anh trên nền tảng IOS và Android.

iOS : https://drdvietnam.org/dmapios.html

Android: https://drdvietnam.org/dmapandroid.html

3. Tại sao chúng ta cần phải quan tâm về việc Thiết kế công trình công cộng và nhà ở sao cho tạo sự tiếp cận cho tất cả mọi người?

DRD hiện đang thực hiện chiến dịch truyền thông “Chúng tôi hay chúng ta”. Nếu như hiểu công trình công cộng tiếp cận cho người khuyết tật, đó là tiếp cận cho chúng tôi tức là cho người khuyết tật, nhưng mà thật chính là cho tất cả chúng ta. Tại vì sao?

Vì khi chúng ta lớn tuổi, ai cũng sẽ già yếu, bị suy giảm chức năng và cơ thể vật lý, hoặc lỡ chúng ta có gặp tai nạn bỗng nhiên lại trở thành người khuyết tật. Do đó, khi đầu tư cho công trình công cộng tiếp cận về lâu về dài đó là dành cho chúng ta và cho tất cả mọi người.

Bên cạnh đó, các công trình công cộng liên quan đến trường học, nơi làm việc khi được tiếp cận sẽ giúp người khuyết tật có cơ hội học tập và có được cơ hội làm việc. Khi người khuyết tật có được công ăn việc làm, không phải phụ thuộc vào gia đình điều này giúp cộng đồng người khuyết tật trở nên tự tin hơn, vượt qua mặc cảm tự ti và nhận thấy giá trị bản thân khi có thể đóng góp cho xã hội. 

4. Những thay đổi tích cực và thách thức âm ỉ về sự tiếp cận với những công trình công cộng, nơi làm việc và nhà ở của Người Khuyết Tật

Năm 2018 đến nay, các công trình công cộng xây dựng sử dụng ngân sách của nhà nước đảm bảo tiếp cận cho cho người khuyết tật có sự chuyển biến lớn. DRD vẫn đang đồng hành nhiều chiến dịch cùng thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, DRD làm việc với Sở Giao thông vận tải và Trung tâm vận tải hành khách công cộng nhằm tư vấn xây dựng hệ thống nhà chờ và xe buýt tiếp cận cho người khuyết tật. Một điểm sáng là Thành phố Hồ Chí Minh  là thành phố đầu tiên đầu tư hệ thống xe buýt hoàn toàn tiếp cận và có sàn nâng hạ cho người khuyết tật. DRD hy vọng mô hình này cũng sẽ được áp dụng cho các thành phố và tỉnh thành khác trên toàn quốc. 

Bên cạnh đó, đường dây nóng hoạt động và xử lý các thông tin từ người khuyết tật đã được triển khai khiến những tình trạng xe buýt bỏ rơi người khuyết tật được phản ánh và xử lý ngay lập tức. DRD cũng đưa ra những kiến nghị và đề xuất cho dự án tàu Metro nhằm đảm bảo hệ thống được xây dựng tiếp cận cho người khuyết tật đã được ban quản lý dự án ghi nhận và trình lên Ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh.

Ở một số tỉnh DRD đang hoạt động và tư vấn, các dự án sử dụng 100% ngân sách nhà nước phải đảm bảo được yếu tố tiếp cận. 

Tuy vậy, giải quyết những thách thức còn lại là một quá trình rất dài. Mỹ quan của người Việt thường thích những kiến trúc đồ sộ, nhiều bậc tam cấp, do đó chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức giúp thay đổi càng nhiều công trình nhà ở tư nhân sao cho trở nên tiếp cận hơn với người khuyết tật. Hiện tại chính sách chỉ tác động đến công trình công cộng có sử dụng các ngân sách nhà nước, còn những công trình tư nhân thì việc tiếp cận vẫn chưa được quan tâm nhiều. 

Khi kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cùng những tác động liên quan đến chính sách sẽ đảm bảo tất cả công trình được xây dựng bởi nhà nước và tư nhân trở nên tiếp cận hơn. Như vậy, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều công trình thuận tiện và đảm bảo là người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng.

5. Góp sức cùng chương trình này của DRD

Bạn đọc có thể đồng hành với DRD bằng nhiều hình thức. 

Liên hệ qua số điện thoại hotline 028 626 79911, hoặc vào website www.drdvietnam.org, hoặc Fanpage DRD Việt Nam https://www.facebook.com/drdvietnam. Tất cả các thông tin liên hệ, hoạt động, nhu cầu hỗ trợ cập nhật liên tục trên các kênh này. 

Ngay bây giờ, hãy follow kênh của You Impact và không bỏ lỡ những câu chuyện mới nhất về thiện nguyện: You Impact

Xem trọn bộ tập 5 tại đây: 

Related Posts