Đáp ứng nhu cầu về Tìm hiểu luật pháp liên quan đến lãnh vực phi lợi nhuận, Trung tâm LIN đã nhận các câu hỏi từ cộng đồng NPO, chúng tôi đã lọc lại các câu hỏi và gởi cho công ty Luật RAJAH & TANN LCT LAWYERS. Sau đó công ty có khoảng 45 ngày để phản hồi các câu hỏi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Đại diện cộng đồng NPO, Trung tâm LIN chân thành cảm ơn công ty Luật RAJAH & TANN LCT LAWYERS vì sự hỗ trợ tuyệt vời này. Nếu các bạn có câu hỏi liên quan đến luật pháp Việt Nam về lãnh vực phi lợi nhuận, vui lòng gởi về cho anh Trường Sơn tại son@LINvn.org.
LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP
a) Khái niệm “tổ chức phi lợi nhuận”, “tổ chức xã hội” được quy định cụ thể tại văn bản nào? Lịch sử 2 khái niệm này trong hệ thống văn bản luật chính thống hoặc không chính thống của Việt Nam như thế nào?
Tổ Chức Phi Lợi Nhuận (“NPOs”)
Khái niệm “tổ chức phi lợi nhuận” được quy định trong Nghị Định số 116/2013/ND-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng, chống rửa tiền. Theo đó, các tổ chức phi lợi nhuận được định nghĩa là pháp nhân hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam với mục đích chính là huy động vốn hoặc phân bổ vốn cho các mục đích từ thiện tôn giáo, văn hóa, giáo dục, xã hội hoặc mục đích tương tự, không vì mục đích lợi nhuận.
Nghị định cũng quy định rằng các tổ chức phi lợi nhuận có thể hoạt động dưới ba hình thức sau: quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Khái niệm tổ chức phi lợi nhuận không được định nghĩa trong các văn bản pháp luật khác và theo đó, không được sử dụng để phân loại ngoài mục đích của quy định phòng chống rửa tiền trên đây. Chúng tôi nhận thấy rằng một số tổ chức (ví dụ: hội) có thể hoạt động theo mục đích không vì lợi nhuận. Ngoài ra, khái niệm tổ chức phi lợi nhuận cũng không được quy định trong các văn bản trước khi ban hành Nghị Định số 116/2013/ND-CP.
Thay vào đó, có một sô văn bản dành riêng cho một số loại hình tổ chức (ví dụ: quy định điều chỉnh hội).
Tổ Chức Xã Hội (SOs)
Quy định về “tổ chức xã hội” được quy định theo Bộ Luật Dân Sự (cả bộ luật hiện hành và Bộ Luật Dân Sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017). Tổ chức xã hội được phân biệt với tổ chức kinh tế và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Pháp luật Việt Nam không phân loại rõ tổ chức cụ thể nào được coi là tổ chức xã hội. Tuy nhiên, SOs phải thoả mãn các điều kiện sau:
- (i) được cho phép thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam;
- (ii) có điều lệ công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền;
- (iii) có hội viên là cá nhân hay tổ chức tự nguyện đóng góp tài sản hoặc phí thành viên nhằm phục vụ mục đích của tổ chức xã hội và nhu cầu chung của hội viên
Các tổ chức có thể được coi là tổ chức xã hội nằm rải rác trong các văn bản pháp luật, nhưng được phân biệt với tổ chức kinh tế và quỹ. Do đó, tổ chức xã hội có thể hoạt động dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, như tổ chức bảo trợ xã hội cũng có thể được coi là tổ chức xã hội, do loại hình này thoả mãn điều kiện được quy định trong Bộ Luật Dân Sự đối với các tổ chức xã hội.
Theo Bộ Luật Dân Sự 2015, các tổ chức xã hội được phân loại là “pháp nhân phi thương mại”, là pháp nhân có mục tiêu chính là không tìm kiếm lợi nhuận; lợi nhuận nếu có sẽ không được phân chia cho các thành viên. Do đó, tổ chức xã hội cũng được xem là một tổ chức phi lợi nhuận.
b) Tổ chức Khoa học và Công nghệ có phải là tổ chức xã hội hoặc tổ chức phi lợi nhuận hay không?
Tổ chức Khoa Học và Công nghệ không được phân loại trong pháp luật Việt Nam là tổ chức xã hội hay tổ chức phi lợi nhuận.
Thay vào đó, theo Luật Khoa Học và Công Nghệ 2013, tổ chức khoa học công nghệ được định nghĩa là tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển công nghệ, hoặc hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ.
Tổ chức khoa học công nghệ có thể thực hiện các hoạt động trên với cả mục đích phi lợi nhuận hoặc vì lợi nhuận.