Văn hóa tổ chức là gì? Ai là người ảnh hưởng đến văn hóa của tổ chức? Và trong giai đoạn chuyển đổi, tổ chức nên quản trị văn hóa chung như thế nào?
Đây là ba câu hỏi chính được thảo luận trong hội thảo “Văn hóa tổ chức – Vai trò trong quản trị chuyển đổi và chuẩn bị lực lượng kế thừa” do chuyên gia Nguyễn Thị Bích Tâm – Phó Giám Đốc TT Nâng Cao Năng Lực Cộng Đồng CECEM điều phối.
Theo đó, chuyên gia Nguyễn Thị Bích Tâm cho biết văn hóa thực sự của một tổ chức “không phải là những mỹ từ được in ra, đóng khung và treo khắp văn phòng”. Văn hóa thực sự được thể hiện qua những chuẩn mực mà đội ngũ nhân viên tổ chức đó cho phép và thừa nhận trong môi trường công việc mỗi ngày.
Và việc tổ chức đề cao giá trị gì sẽ tác động đến hành vi của nhân viên. Vì vậy, điều quan trọng đối với một tổ chức sau khi đã xác định được những giá trị văn hóa cốt lõi muốn xây dựng là nghiêm túc thực hành chúng mỗi ngày.
Đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi (bao gồm chuyển đổi người lãnh đạo, cấu trúc nhân sự, định hướng chiến lược…), văn hóa của tổ chức phải cho phép nhân viên được sai sót và học từ những lỗi sai đó. Nếu không, văn hóa cầu toàn sẽ dẫn tổ chức đến việc không nhìn thấy sự nỗ lực, thành tựu mà điều mới mang đến.
Tại hội thảo, gần 40 thành viên tham gia cũng đã thảo luận cùng chuyên gia Bích Tâm về câu hỏi văn hóa của tổ chức có phải là văn hóa của người đứng đầu hay không?
Sau khi thảo luận, hội thảo thống nhất có thể tạm trả lời theo hai góc độ. Với các tổ chức phi lợi nhuận nếu hoạt động theo mô hình nhóm/CLB tự nguyện không lương thì người đứng đầu chưa hẳn là người có quyền lực thực sự. Song với các tổ chức đã định hình bộ máy quản lý, nhân sự nhận lương toàn thời gian thì người đứng đầu là người có ảnh hưởng lớn đến việc tạo lập văn hóa cho tổ chức.
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thêm kiến thức cho các thành viên tham gia chương trình Sáng kiến vì cộng đồng (CPI) 2015, đồng thời mở rộng cho tất cả các tổ chức NPO quan tâm đến chủ đề này.